Art hiểu rằng anh đã mắc “sai sót” – đó là xem nhẹ trường hợp cảm giác “tuyệt
vọng” có thể khiến người ta tự sát dù họ không hề có bệnh lý trầm cảm.
Tuy nhiên, anh cũng học được rằng anh không buộc phải hoàn hảo, và rằng
mọi người không kỳ vọng anh phải điều trị thành công cho mọi bệnh nhân.
Giả sử mọi việc không tốt đẹp như thế, và cấp trên hoặc đồng nghiệp của
anh cho rằng anh thật vô tâm hoặc năng lực yếu kém. Vậy thì sao? Hệ quả tồi
tệ nhất sẽ chỉ là sự chối bỏ. Hãy cùng bàn về một số phương pháp đối phó với
tình cảnh tồi tệ nhất mà bạn có thể gặp phải này.
Sự chối bỏ không bao giờ là lỗi của bạn!
Bên cạnh những vết thương trên cơ thể hoặc sự hư hại về tài sản, thì nỗi đau
lớn nhất mà người khác có thể gây ra cho bạn chính là sự chối bỏ. Nguy cơ này
là căn nguyên nỗi sợ của bạn khi bạn bị “gạt bỏ”.
Có nhiều kiểu chối bỏ khác nhau. Một dạng phổ biến nhất và rõ ràng nhất là
“sự chối bỏ tuổi dậy thì”, mặc dù nó không hề giới hạn ở độ tuổi mới lớn. Giả
sử bạn có tình ý với một người bạn đang hẹn hò hoặc từng gặp gỡ, mà cuối
cùng bạn không phải kiểu người họ tìm kiếm. Có thể đó là vì ngoại hình,
chủng tộc, tôn giáo hay phong cách cá nhân của bạn. Hoặc có thể vì bạn quá
cao, quá thấp, quá mập, quá ốm, quá già, quá trẻ, quá thông minh, quá khờ
khạo, quá chủ động, quá thụ động... Bởi vì bạn không phù hợp với kiểu “người
trong mộng” của họ, nên họ bỏ qua những ưu điểm của bạn và lạnh lùng từ
chối bạn.
Đó có phải là lỗi của bạn không? Hiển nhiên là không rồi!
Người đó từ chối bạn đơn giản là vì sở thích chủ quan của họ mà thôi.
Người ta có thể thích bánh táo hơn bánh anh đào. Điều này có đồng nghĩa với
việc bánh anh đào vốn dĩ không hấp dẫn hay không?