bán ngoài thị trường, thế nên ông ta rất dễ dàng khuyên tôi quên thành tích đi.
Chuyện này giống như một người giàu đang cố giải thích với người nghèo rằng
tiền bạc không quan trọng vậy. Sự thật trần trụi chính là tôi vẫn cảm thấy bản
thân thật tồi tệ khi thất bại, và tôi tin rằng cuộc đời sẽ ý nghĩa hơn và hứng thú
hơn nếu tôi đạt được nhiều thành công hơn. Những người thật sự hạnh phúc là
những người thành đạt, những người ở vị trí cấp cao. Tôi chỉ là một người bình
thường. Tôi chưa bao giờ làm được việc gì thật sự xuất sắc, thế nên tôi buộc
phải kém hạnh phúc và kém thỏa mãn. Nếu điều này sai thì hãy chứng minh
cho tôi thấy! Hãy cho tôi biết là tôi có thể làm gì để thay đổi cảm nhận của
mình, chỉ khi đó tôi mới thật sự tin.”
Hãy cùng xem xét một vài bước thực hiện mà bạn có thể áp dụng để giải
phóng bản thân khỏi chiếc bẫy tư duy cho rằng bạn phải thể hiện xuất sắc thì
mới có quyền cảm thấy mình có giá trị và hạnh phúc.
Phản biện.
Cách thức hữu ích đầu tiên chính là tập thói quen phản biện lại những suy
nghĩ tiêu cực sai lệch khiến bạn cảm thấy bản thân kém cỏi. Điều này sẽ giúp
bạn nhận ra rằng vấn đề không nằm ở cách bạn thể hiện trong thực tế, mà ở
cách bạn phê bình bản thân. Khi bạn học được cách đánh giá những việc mình
làm một cách thực tế, mức độ thỏa mãn và chấp nhận bản thân của bạn sẽ tăng
lên.
Chú trọng vào những điều làm bạn phấn khởi.
Lý do khiến bạn cứ chăm chăm nghĩ đến thành tích chính là niềm tin cho
rằng hạnh phúc đích thực chỉ đến khi bạn có một sự nghiệp rạng rỡ. Niềm tin
này không thực tế bởi vì phần lớn những thỏa mãn trong cuộc sống không cần
đến bất kỳ thành tựu nào. Bạn không cần có tài năng gì đặc biệt để tận hưởng
một chuyến đi dạo trong tiết trời mùa thu.