Tuy nhiên, “kẻ cắp” và “bà già” luôn luôn quên những chi tiết nhỏ nhặt rất
bất tiện. Một là nợ lúc nào cũng phải trả khi đáo hạn. Hai là khi anh cho
một “kẻ cắp” vay, thì rủi ro mất tiền là điều không sao tránh khỏi.
Trong 35 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã lợi dụng sức lao động của
hơn tỷ người dân để kiếm được hơn 4 ngàn tỷ đô la cho quỹ ngoại hối. Các
đại gia và quan chức Trung Quốc cũng thừa nước đục để “câu” hơn 1.8
ngàn tỷ đô la (ước lượng trên các mạng Internet). Con số này đã bốc hơi hết
720 tỷ khi Mỹ áp dụng chính sách hạ giá đô la (khoảng 12%) trong 3 năm
qua để kích cầu kinh tế nội địa (thực ra là để cứu các ngân hàng Âu Mỹ).
Hiện nay, các công ty thẩm định tín dụng như Moody, S&P, Fitch… dọa là
sẽ hạ cấp tín dụng của trái phiếu quốc gia Mỹ; và Đảng Cộng hòa cũng như
phong trào Tea Party cũng đang áp lực để Obama không thể vay thêm tiền
cho chính phủ. Đồng đô la sẽ mất thêm khoảng 18% nữa nếu một trong hai
điều này xảy ra.
Dĩ nhiên, khi nền kinh tế quá tùy thuộc vào thị trường xuất khẩu và túi tiền
tiết kiệm có thể bay hơi theo đồng đô la, thì kẻ cắp Trung Quốc lại trúng kế
của bà già Mỹ. Thế gọng kìm tạo ra sự đổi ngôi liên tục giữa hai siêu quái
này.
Chuyện chúng mình
Một doanh nhân trẻ kể với tôi những thành công và thất bại của anh ta
trong 10 năm qua và xin ý kiến vì anh muốn tìm một định hướng mới cho
sự nghiệp. Tôi khuyên anh nên đọc đi đọc lại binh pháp của Tôn Tử và
chiến thuật của Machiavelli nếu muốn thắng trên thương trường. Nếu anh
chỉ muốn làm người tử tế và văn minh, thì nên đọc sách Lão Tử và Og
Mandino. Vấn nạn lớn nhất của anh trong thời đại kim tiền và đám mây
kiến thức (cloud computing) này là anh chưa định vị rõ ràng vai trò của
mình trong màn kịch của thế giới. Anh sẽ thủ vai kẻ cắp hay bà già? Hay
chỉ là một nạn nhân lương thiện và ngu dốt? Bi kịch sẽ xảy ra khi người
nham hiểm và mê tiền lại không biết làm kẻ cắp hay bà già.