Luật cung cầu
Trên thế giới, lượng vàng lại hữu hạn. Năm 2007, theo National
Geographic, chỉ có khoảng 161.000 tấn vàng đã từng được khai thác.
Lượng vàng khai thác qua từng năm tương đối bền vững, nếu tính theo nhu
cầu. Năm 2010, toàn thế giới khai thác được 3.859 tấn vàng, nhu cầu mua
vàng là 3.754 tấn. Sự cân đối cung cầu và giá trị gần như bền vững này đã
khiến giá vàng không nhiều biến động. Mọi biến động về giá vàng thực sự
phát sinh từ sự biến động của đô la Mỹ và các bản tệ khác.
Không như tiền giấy, cổ phiếu, trái phiếu, hay như một công ty có thể mang
về lợi nhuận lớn, hoặc thua lỗ nhiều, vàng là một ốc đảo thanh bình trong
bão tố. Bởi vì không ai “in” ra vàng được hay dùng các thủ thuật chi phối
của thế giới “ảo”, nên vàng thực sự là một kênh phòng thủ an toàn. Ai đọc
lịch sử đều nhớ chuyện lạm phát phi mã do tiền giấy hạ giá, như đồng Mark
thời Weimar của Đức, như đồng Yuan của Trung Quốc thời Tưởng Giới
Thạch, như đồng Peso của Argentina trong 50 năm qua, như đồng Đô la
của Zimbabwe (mất giá kỷ lục khi rớt 11 triệu phần trăm trong 1 năm).
Suốt 5.000 năm lịch sử, vàng không bao giờ mất giá. Tôi yêu vàng là vì
vậy.
Vàng và chính trị gia
Một câu chuyện khá khôi hài trong lịch sử tài chính thế giới là việc ông
Gordon Brown quyết định bán hơn nửa số vàng dự trữ của Anh (415 tấn)
vào năm 2000 với giá trung bình là 276 đô la một lượng, đem về cho Anh
hơn 4 tỷ đô la Mỹ. Ý định của ông là hạ giá vàng thế giới và giữ giá trị tiền
bảng Anh (English pound). Sau 4 tháng, đồng bảng Anh tiếp tục sụt giá,
còn giá vàng thế giới lại tăng lên 25%, làm Anh mất hơn 3 tỷ đô la Mỹ
trong giao dịch này. Nếu là một nhà đầu tư tài chính, ông Brown sẽ mất
việc ngay lập tức. Nhưng vì ông là chính trị gia, nên ông Brown không
những không bị đuổi, mà sau đó còn đắc cử Thủ tướng với biệt danh “Gold
Brown” (vàng).