khách hàng và ngay cả đối thủ. Luôn luôn bắt đầu bằng cách coi các than
phiền và khiếu nại là “đúng”; rồi nghiên cứu kỹ lại vấn đề, với sự tham dự
của các tư vấn, để nhìn rõ về việc phải làm và việc không thể làm. Nếu có
bị thiệt hại đôi chút, hay mất chút sĩ diện; nên sẵn sàng chấp nhận để vụ
việc trôi qua. Về lâu về dài, đây vẫn là những lối mất tiền ít nhất.
Khi còn trẻ, tôi đã ngang ngạnh chống lại một cơ quan chính phủ đầy
quyền lực là Sở Chứng khoán Mỹ (SEC). Dù tôi được thỏa mãn tự ái là
mình “đúng” khi thắng kiện, nhưng hậu quả là công ty Hartcourt bị mất gần
400 triệu đô la thị giá, chưa kể những phí tổn pháp lý đến hơn 5 triệu đô la
và 7 năm kiện cáo. Tôi đã làm kiệt quệ công ty vì cái “tôi” quá lớn của
mình. Trong khi đó, nếu tôi chịu nhận lỗi (dù vô lý) và trả tiền phạt, chỉ mất
500 ngàn đô la và giải quyết vấn đề trong 3 tháng. Một bài học vô cùng quý
báu về rắc rối pháp lý.
Như đã trình bày, có 1001 cách để mất tiền khi doanh nghiệp đem chuông
đi đánh xứ người. Cơ hội tràn đầy cũng đồng nghĩa với rủi ro cùng khắp.
Ra đấu trường quốc tế, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều kỹ năng bài bản
từ những doanh nhân siêu việt, sáng tạo và năng động; cũng như những
siêu sao lường gạt rất tinh vi. Điều duy nhất phải nhớ là “cảnh giác cao độ”
và đừng để lòng tham làm mờ mắt những vụ việc đáng nghi ngờ. Người
Mỹ có câu: “Nếu đề nghị quá tốt như mơ ước, thì đó chỉ là mơ ước” (If it’s
too good to be true, then it is). Ai cũng mất một ít tiền vì bị gạt trên bước
đường kinh doanh, nhưng người khôn ngoan là đừng để những trải nghiệm
cay đắng này biến thành thói quen.