thường, nhưng nghịch lý là tôi bị ngược đãi nhiều hơn ở các quốc gia Á
Châu.
Khi làm cho Wall Street, tôi có một anh trợ lý trẻ, người da trắng với mái
tóc vàng hoe. Trong nhiều buổi họp với các quan chức hay đại gia của
Trung Quốc, Mã Lai, Indonesia…, họ luôn luôn nghĩ anh ta là “boss” của
tôi trước khi được giới thiệu. Vì định kiến này, nhiều doanh nhân Á Châu
tin tưởng vào tất cả những gì mà nhân viên da trắng trình bày, không cần
biết đến thực tế và khả năng của diễn giả hay giá trị của lời phát biểu.
Tôi còn nhớ ông hàng xóm của tôi ở California là Lloyd Bridges, diễn viên
khá nổi tiếng của Hollywood. Khi về già, ông thường đóng vai Tổng thống
hay Thượng nghị sĩ Mỹ, nhờ diện mạo và phong cách rất “hợp” với hình
ảnh trên chính trường (phim Hot Shots, The Man…). Một lần, ông theo tôi
qua Bắc Kinh để tham quan du lịch. Trong một dạ tiệc đông quan khách,
đầy các đại gia và chính trị gia, trước khi phát biểu bài nói chuyện, tôi long
trọng tuyên bố, “hôm nay, tôi được hân hạnh giới thiệu một vị khách mời
thật đặc biệt. Xin mời quý vị đứng dậy để chào đón Vị Tổng thống của
Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”. Cả hội trường đứng dậy, vỗ tay cả 10 phút khi
Lloyd bước lên diễn đàn. Nếu tôi không nói lại tôi chỉ đùa chơi, chắc chắn
80% người tham dự nghĩ là mình đã gặp Tổng thống Mỹ.
Nghiên cứu và biết rõ những thủ thuật lừa gạt
Người Việt Nam rất bén nhạy và thông minh. Những mánh mung và thủ
thuật để lừa gạt các người có tiền hay tài sản ở Việt Nam cũng rất sáng tạo
và đa dạng không kém gì quốc tế. Tuy vậy, với một nền kinh tế tài chính đã
toàn cầu hóa, sự gia nhập và phối hợp của các phần tử tội ác từ khắp thế
giới đã thành một vấn nạn lớn, không những cho các cơ quan cảnh sát, mà
còn ảnh hưởng đến mọi doanh nhân khắp nơi.
Người Nigeria đã làm nổi danh quốc gia họ theo nghĩa xấu khi danh từ
“Nigerian scam” (trò lừa gạt kiểu Nigeria) được ghi vào từ điển bách khoa
của Oxford. Cho đến năm 2005, trò lừa gạt này đã đem về một khoản thu