Một bản nghiên cứu của Đại học Harvard năm 1998 cho thấy 78% các
công ty bền vững và phát triển nhanh nhất trong 50 năm vừa qua là
những doanh nghiệp đặt nặng vấn đề đạo đức và kỷ cương quản trị lên
hàng đầu theo thứ tự ưu tiên.
Bản nghiên cứu cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài
một niềm tin tốt đẹp từ khách hàng, từ nhân viên, từ đối tác, từ nhà
đầu tư, từ cộng đồng đoàn thể... Đây là cách xây dựng thương hiệu
hoàn hảo nhất của bất cứ doanh nghiệp nào.
Với một thương hiệu tiếng tăm và bền vững, công ty có thể tìm một tỷ
lệ lợi nhuận cao hơn các đối thủ cạnh tranh, một thị phần cao hơn của
khách hàng trung thành và kết quả là một thành tựu khả quan hơn về
tài chính.
Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp sẽ biến thành một
công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ... Mọi thành công sẽ tạm
bợ, bạo phát bạo tàn.
Ông kinh doanh suốt 42 năm tại hai thị trường lớn và năng động nhất: Mỹ
và Trung Quốc. So sánh với hai nước này, ông thấy doanh nhân Việt Nam
có ưu và khuyết điểm gì?
Doanh nhân Việt chia sẻ nhiều đặc thù với doanh nhân Trung Quốc vì
những điều kiện tương tự về văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế.
Trung Quốc mở cửa thị trường trước ta 15 năm nên doanh nhân của họ
tích tụ nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi chỉ hơi tiếc là có rất nhiều bài học
hay dở của họ mà chúng ta không nghiên cứu để tìm một lối đi riêng
của mình.
Như Trung Quốc, doanh nhân Việt rất năng động, tham vọng, giỏi ứng
biến, liều lĩnh, lạc quan và cầu tiến. Về khuyết điểm, họ giống doanh
nhân Trung Quốc ở các điểm như thiếu kỹ năng quản trị ở bình diện
quốc tế, thích đầu tư dàn trải, không chuyên sâu, trọng sĩ diện và hình
thức, có tầm nhìn khá ngắn hạn. Họ cũng thiếu quan hệ với các đối tác
nước ngoài: rất cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu.