cùng khủng khiếp sắp ụp xuống ao Cây Sung. Do đó, họ càng nóng lòng
nóng ruột mong chờ chú tỉnh lại, Nhưng liệu chú có qua khỏi được không?
Nhờ việc Lóc hoa thoát chết mà Chép còm và Chày đã gặp mặt được gần
đầy đủ mặt bà con dân ao. Suốt từ sáng đến lúc mặt ao tối mịt, hết tốp cá
này đến toán cua, ốc khác kéo đến thăm hỏi, mang quà, thức ăn, thuốc dấu
đến cho chú. Chép còm, Chày, Rô nhọ suốt ngày đêm túc trực săn sóc bạn
gặp bà con nào Chép còm cũng nói chuyện về dòng sông lớn và dự định
mời bà con cùng nhau hợp sức tìm kế thoát khỏi ao, rồi cùng bơi đến dòng
sông diệu kỳ ấy. Nhưng hầu hết chẳng ai nghe chú. Nhất là các bác cá già,
họ bảo chú là “trứng đòi khôn hơn cá” và cái chuyện dòng sông lớn là
chuyện tầm phào, viển vông. Có bác còn chế diễu chú như kiểu người lớn
chế diễu những ước mơ ngây ngô của trẻ em.
- À, tưởng gì chứ cái dòng sông lớn mà cháu nói đó bác biết tỏng
tòng tong từ lâu rồi cháu ơi! Nó là cái chảo đầy mỡ, vung đậy kín, bắc trên
bếp lửa cháy rừng rực.
Chép còm khổ sở vì bị chế diễu nhưng vẫn kiên nhẫn nói:
- Chính cụ Nheo mù kể với chúng cháu về dòng sông lớn, và hồi
trai trẻ cụ cũng từng vượt ao ra đi…
Bác Trắm cỏ cười nhạo:
- Ối dà, tưởng ai chứ cụ Nheo mù thì nói mà làm gì! Cụ ấy là nhà
thơ mà!
- Nhưng nhà thơ thì làm sao kia ạ?
- Cháu không hiểu à? Các nhà thơ họ có thể nghĩ ra đủ mọi chuyện
viển vông hoang đường, rồi sau đó chính họ lại tin những chuyện mình bịa
tạc ra là có thật. Thế mới chết!
Một bác Diếc sứt mép phụ họa theo: