Thế là Ma-ri-na đã đến được với những người Bỉ yêu nước, bạn của Van-
te. Họ che giấu chị mấy hôm chờ cho việc truy lùng tạm lắng đi, chạy lo hộ
chiếu mang tên Ma-ri Đê-cua, bố trí cho chị rửa bát đĩa tại một hiệu ăn ở
ngoại ô thành phố và sống trong căn phòng nhỏ này.
Và từ bấy đến nay là những chuỗi ngày đơn điệu, chán ngán, dồn dập
công việc. Những người hầu bàn bê hết chồng bát đĩa này đến chồng khác,
chất đống trước mặt và chị cứ việc rửa cho đến mỏi nhừ cả tay. Mãi đến
khuya hay đúng hơn là đến quá nửa đêm chị mới được trở về căn phòng
nửa tầng hầm này và lấy kem xoa tay cho đỡ xót rồi nằm xoài ra vì quá
mệt. Cuộc sống hình như đã chấm dứt đối với chị.
Những tuần đầu tiên, mặc dầu công việc vất vả nhưng Ma-ri-na vẫn cảm
thấy vui mừng. Dù sao thì chị đã thoát khỏi bọn giét-ta-pô! Nhưng rồi
tháng này qua tháng khác trôi đi lặng lẽ mà vẫn không có ai đến với chị cả.
Lúc đầu chị cho rằng, cần phải như vậy vì các đồng chí của chị còn phải
suy nghĩ cách hành động thông minh hơn để khỏi lôi theo bọn giét-ta-pô.
Nhưng càng về sau, Ma-ri-na càng lo lắng hơn: hình như họ đã quên chị!
Có lẽ không ai cần đến chị nữa, hay ít ra trước mắt là như vậy.
Đã thế, tin tức từ mặt trận phía Đông mỗi ngày một đáng lo ngại hơn.
Khi nghe tin bọn Đức tiến về phía Vôn-ga chị đã khóc suốt đêm… Thật
kinh khủng khi nghĩ đến bọn Đức đã vào Xta-lin-grát. Rồi sẽ ra sao nữa?
Từ Xta-lin-grát chỉ một với tay là tới U-ran…
Nhưng cũng may là chúng vẫn chưa chiếm được Xta-lin-grát.
Mùa thu đã đến. Một mùa thu lạnh lẽo, ảm đạm nhưng cũng đầy an ủi.
Có ai ở châu Âu này lại không biết rằng, mùa thu và mùa đông… là mùa
của những người Nga? Đó là trường hợp cuộc viễn chinh của Na-pô-lê-ông,
là trường hợp mùa đông năm ngoái khi hàng trăm trung đoàn “bách chiến”
của nước Đức vĩ đại đã bị chặn đứng ở ngoại ô Mát-xcơ-va và sau đó bị
đuổi khỏi vùng này… Liệu mùa đông năm nay có thể xảy ra điều này
không?
Nhưng nếu không như vậy thì sao? Lúc ấy sẽ thế nào? Ma-ri-na không
muốn nghĩ đến điều này, muốn thoát ra khỏi những câu hỏi day dứt đó