Nhà vua tự biết các điều không theo này sẽ làm cho Nguyên chúa nổi
giận. Nhưng nếu theo như việc cống voi, cống người thì được đằng chân
chúng sẽ lân đằng đầu, nay đòi được một thì mai nó sẽ đòi mười, dân sẽ khổ
về việc tìm kiếm vật cống hằng năm. Còn như sáu điều kia, chỉ cần chấp
nhận một trong sáu điều ấy là nước không còn giữ được thế nhân chủ nữa.
Kẻ kia như lũ chó sói đói mồi, nếu cho chúng ăn thì không biết bao nhiêu là
đủ.
Không chịu cống nạp đầy đủ, không chịu vào chầu, không chịu nộp
tô, thuế, không chịu nộp quân tải lương… ắt ta phải chấp nhận đối đầu với
lũ giặc hung hãn này thôi. Không chịu sống quỳ, sống nhục tức là không
chịu khuất phục thì phải đối đầu. Xem ra từ quan đến dân trong nước ai ai
cũng có lòng liêm sỉ, tự trọng muốn giữ nhà, giữ nước và đều căm giận vua
tôi nhà Nguyên kiêu ngạo tự phụ, điêu trá toan lấy thịt đè người. Tuy vậy,
muốn giữ được nước, giữ được lòng tự tôn, tức là giữ được phẩm giá của
giống nòi với kẻ thù vừa hung hãn xảo quyệt vừa có sức mạnh khổng lồ kia
là một việc muôn khó.
Nhà vua tuy tin vào quần thần, tin vào trăm họ nhưng vẫn băn khoăn
trước sức mạnh của kẻ thù. Quả là ngài không sợ chết, nhưng chỉ lo không
bảo vệ được muôn dân khi giặc ào ạt tràn vào bờ cõi. Để cho giặc tàn sát
sinh linh, lòng vua sao nỡ. Vả lại đó còn là trách phận của kẻ chăn dân.
Không thể để giặc tàn sát dân mình, rồi bảo đó là tội ác của giặc chứ không
phải lỗi ở vua. Cũng như dân chết đói thì bảo đó là do trời làm mất mùa chớ
đâu phải lỗi ở vua.
Nhà vua tự nhủ, ta đâu là kẻ vô minh, kẻ vô liêm sỉ mà có thể giũ bỏ
trách phận người cầm cương chính của cả nước được.
Tướng quốc thái úy Quang Khải vào cung tâu báo việc cơ mật.
Vua hỏi:
- Ta nghe nói quân Tống thua to, quân Nguyên càng hung hãn, em có
tin tức gì mới không?
- Em vừa nhận mật thư do ngoại gián gửi về, rằng thành Tương
Dương, sau sáu năm dai dẳng kháng cự với quân Mông Cổ mới bị thất thủ