Chiều hôm sau thì hoàng thái tử Trần Khẩm đã về lại Thăng Long.
Nhà sư vẫn còn muốn lưu thái tử lại chùa đàm đạo, nhưng cũng vừa lúc
quan quân và mấy vị sư phó tìm đến. Tình thế buộc thái tử phải về kinh.
Qua mấy ngày dãi gió dầm sương, ăn uống thất thường, thái tử gầy
sọp hẳn đi.
Nghe nói hoàng tử đã về cung, hoàng thượng và cả hoàng hậu cùng
ghé Đông cung thăm con.
Vừa thấy cha mẹ, hoàng tử đã vội quỳ thưa:
- Con thật bất hiếu để phụ hoàng và mẫu hậu phải nhọc lòng, con xin
được nhận tội đánh trượng. Nói xong, thái tử nằm phục xuống thềm điện.
Nhìn mặt mày con hốc hác, hoàng hậu bưng mặt khóc. Nhà vua nâng
con dậy và nói:
- Con muốn xuất gia, ấy là đại hạnh cho hoàng gia, cha sao bắt tội con
được. Nhưng cha hỏi, sao dạo này con gầy yếu thế, hay trong lòng con có
điều gì bất an.
Thái tử vái lạy vua cha và thú nhận:
- Phụ hoàng tha tội cho con, con không có gì bất như ý cả, con cũng
không ốm đau bệnh tật, chỉ vì bấy lâu nay con ăn chay trường nên người có
hao đi chút ít, nhưng thân thể vẫn mạnh khỏe.
Nghe con nói, vua Thánh tông ứa nước mắt nói:
- Cha già rồi, mọi việc đều trông cậy nơi con. Nay con định bỏ ta, bỏ
cả xã tắc để mong cầu giải thoát cho bản thân mình. Con nghĩ thế không sai,
nhưng đó mới chỉ là sự tiểu giải thoát. Sao bằng con cầm cương chính, lo
cho trăm họ đủ đầy hiếu thiện thời đó mới là đại giải thoát. Chỉ người đại
giác ngộ mới dám quên thân vì nghĩa lớn như vậy.
Hoàng thái tử như vừa ngộ ra, chàng phục lạy:
- Con xin tuân lời dạy của phụ hoàng, từ nay con dốc lòng tu chính.
- Vậy thì cha yên tâm. Nhà vua vừa nói vừa kéo hoàng tử đứng dậy.