- Kính bạch lão tăng, tôi là khách lỡ độ đường, đêm hôm không dám
kinh động cửa sài, trộm ngủ nơi vườn tháp, xin đại sư tha tội đường đột.
Sư vội xua tay:
- Ồ không! Cửa tam bảo lúc nào cũng rộng mở đón khách thập
phương, xin quý khách chớ ngại. Lão tăng tôi xin có lời mời quý khách vào
nhà phương trượng.
Lúc này ở Thăng Long hoàng gia đang bối rối không biết hoàng thái
tử bỏ đi đâu. Vua Thánh tôn hết sức đau lòng. Ngài không ngờ Trần Khẩm
vốn là người bản tính nhu hòa, hiếu thuận, đột nhiên lại bỏ hoàng cung đi
không tâu báo, không duyên cớ. Lạ thay! Nhà vua sai đòi Nguyên thánh
Thiên Cảm hoàng hậu vào hỏi:
- Hậu có biết hoàng thái tử đi đâu không? Thế này thì hoàng gia đến
loạn mất.
Hoàng hậu nước mắt tuôn rơi và sụp lạy:
- Thần thiếp quả không biết hoàng thái tử đi đâu, nhưng thiếp có lỗi,
con hư tại mẹ, xin hoàng thượng trị tội thiếp.
- Sao hậu lại nói như vậy. Ta không bảo con hư. Phải nói Khẩm là một
đứa con có hiếu. Nhưng nó đã xin với ta nhường ngôi thái tử cho em nó và
xin được xuất gia. Nhà vua thở dài buồn bã.
- Tâu hoàng thượng, thế thì đúng rồi, đôi ba phen Khẩm cũng ngỏ ý
muốn lên Yên Tử sớm để cầu học các vị thánh tăng. Thiếp có khuyên: “Con
muốn đi đâu phải xin phép phụ hoàng”. Coi chừng lần này có khi Khẩm lên
thẳng Yên Tử, sao bệ hạ không cho quân đi đón con về.
- Được! Được! Để ta sai mấy ông sư phó đi đón Khẩm. Đúng như hậu
nói, Khẩm chỉ tìm đường về Yên Tử tầm sư học đạo. Khẩm vừa có lòng
khoan dung đức độ, vừa thông tuệ sáng láng, lại vừa là trưởng tử nên ta
muốn truyền ngôi nước cho nó chứ nhường cho đứa khác thì có khó gì. Vả
lại giữ ngôi nước là giữ giang sơn nòi giống, việc thiêng liêng trọng đại như
vậy không thể trao cho bất kỳ ai cũng được.