hơn, tả thừa tướng Lục Tú Phu gạt nước mắt nói với ấu chúa: “Nhà Tống đã
đến hồi chung cục, bệ hạ cùng thần đành hiến thân cho nước, chớ để giặc
bắt”. Nói xong ông cõng Triệu Bính nhảy xuống biển, vua tôi cùng chìm
nghỉm dưới biển sâu sóng dữ. Bảy ngày sau xác quân Tống nổi kín mặt
nước kể tới chục vạn người. Nhà Tống diệt vong, triều Nguyên đại định.
Nói xong Trần Quang Khải thở dài. Có thể ông chia sẻ với nỗi đau mất
nước của người Trung Hoa, cũng có thể ông lo cho thế nước, lo cho số phận
của dân tộc mình.
Nghe tướng quốc thái úy tường trình xong, thượng hoàng Trần Thánh
tông lặng người đi, nhưng Trần Nhân tông lại mau mắn đáp lời:
- Thưa phụ hoàng, thưa thúc phụ, Đại Việt ta không còn chọn lựa nào
khác nữa. Giặc sẽ ép ta đến cùng để lấy nước ta thay vì chúng phải cất
quân. Nếu ta không chịu sống quỳ, giặc sẽ xua quân ào ạt tràn vào. Cho
nên, theo ý con vừa xử nhũn với giặc để làm kế hoãn binh, vừa phải gấp rút
chuẩn bị lực lượng để kháng giặc. Nhưng hơn hết là phải thổi bùng ý chí
kiên cường và lòng căm giận cho binh lính và cả muôn dân, và cố kết họ lại
muôn người như một, thì đó mới là sức mạnh siêu thần nhập hóa để đánh
bại mưu đồ quỷ quyệt và tham bạo của lũ sói già phương bắc.
Nghe con nói, vua Thánh tông như vừa bừng thức, ngài nhìn con với
cái nhìn bao trùm, tựa như ngài đo sức trưởng thành của người con mà ngài
mới truyền ngôi nước. Thượng hoàng mỉm cười nhìn vua Nhân Tôn lại nhìn
sang tướng quốc thái úy, ngài phán:
- Phải! - Không còn con đường nào khác như vương đệ và vương nhi
ta vừa nói. Do vậy, phải cấp kỳ lo ngay mọi việc tựa như giặc đã áp sát biên
thùy, nếu không sẽ trở tay không kịp.
Trần Quang Khải lại nói:
- Tâu, còn một việc nữa khá hệ trọng. Dạ, đó là Hốt-tất-liệt đã giữ
chánh sứ Trịnh Đình Toản ở lại Đại Đô làm con tin. Và nghe đâu y cử lễ bộ
thượng thư Sài Thung và binh bộ thượng thư Lương Tằng sắp sang sứ nước
ta, và bắt phó sứ Đỗ Quốc Kế của ta phải dẫn đường đưa chúng vào Đại
Việt.