- Con không hiểu nổi một nơi không thích hợp cho tuổi già tại sao thầy lại
cứ thích về ở đó?
- Tao muốn lo cho cái Nụ, mai mốt nó lấy chồng rồi cũng về ở cả đấy chứ
đâu.
Phước đã được vợ kể chuyện Nụ về Việt nam lấy chồng. Sẵn bực dọc
chàng tuôn ra một hơi:
- Thầy bu sống ở Việt Nam biết hoàn cảnh rõ ràng hơn ai hết mà con
không hiểu sao lại xúi cái Nụ về bên ấy lấy chồng. Lấy ai thì chả lấy được
nhưng liệu có ăn đời ở kiếp với nhau khi cả hai cùng có ý lừa bịp nhau.
Con hỏi thầy nó đang hưởng tiền tàn tật không đủ nuôi thân nó lại còn rước
cái thằng báo cô qua nuôi có phải tội nghiệp nó không? Đã vậy thằng nọ
chắc gì thương cái Nụ hay cũng chỉ vì muốn được qua bên này. Chuyện vợ
chồng là do duyên số chứ nào phải vẽ rắn thêm chân sẽ hóa rồng? Đấy rồi
thầy xem thằng nào qua đây thì cũng bỏ nó cho mà xem. Lúc đó đúng là dại
mặt.
- Ối dào, chuyện của nó để tao lo. Mày phủi bỏ trách nhiệm từ hồi nào đến
giờ thì tao cứ kể như mày đã chết.
- Đã chết sao thầy còn bảo con mua nhà? Thầy mua nhà hay thêm gánh
nặng cho nó? Thầy bu ở dưới này đêm hôm có trái gió trở trời ra vô còn có
con cháu trông nom hoặc bệnh hoạn ốm đau còn có người săn sóc thuốc
men. Về đó rồi ai sẽ lo cho thầy bu?
Càng lúc Phước càng tấn công tới tấp như muốn ông bà bỏ hẳn ý định lấy
chồng cho Nụ và về Cali trong khi ông Cửu lại đang muốn níu kéo cái danh
thuở nào đã mất. Từ lúc nghe được bài học vệ sinh ở nhà Thành, ông luôn
có ý nghĩ là chỉ khi có nhà có cửa, ông mới dám ăn to nói lớn trước đám
đông, trước giòng tộc họ hàng, nhất là với Thành, thằng con rể đã có ít nhất
một lần coi thường ông. Nhưng thôi, bước đầu như thế tạm coi như đã đủ,
chỉ cần cho vợ chồng nó biết ý tưởng của ông rồi thì liệu cơm mà gắp mắm.
Tất cả phải từ một điểm nhỏ, như vết dầu loang cho tới một ngày...
Ý nghĩ này làm ông lấy lại tinh thần nên chuyển sang đề tài khác một cách
nhanh chóng:
- Tuần này chúng mày không định quay phim à?