Phước hơi ngỡ ngàng vì sự chuyển tiếp đột ngột nhưng lại cho là thầy đã
xiêu lòng nên vui vẻ trả lời:
- Ba chủ nhật liền cháu Dung chở ông bà đi quay hết danh lam thắng cảnh.
Theo con nghĩ cũng đủ gởi về Việt Nam rồi.
- Nhưng nào chúng mày đã chở tao đi thăm vườn rau ao cá đâu. Tao muốn
cho những người ở xứ mình biết rằng nơi đây cũng có vườn tược ao bờ
trồng đủ rau rợ cà pháo mùng tơi bầu bí...
- Vâng, thì để tuần sau chứ hôm nay mẹ con nó đi shopping có về cũng tối
mịt.
Nãy giờ có lẽ mỏi nên bà Cửu không còn đu đưa nữa. Bà rút hai chân lên
ghế ngóng chuyện rồi chợt buột miệng:
- Chúng nó mua gì mà khoẻ đi thế!
- Thì quần áo, giày dép, son phấn. Ôi, hai mẹ con mê sắm đồ còn hơn mê
vàng.
Nhớ lúc con dâu đón mình ở phi trường với cái váy ngắn cũn cỡn, bà chau
mày khó chịu:
- Ở xứ nào cũng vậy, có tiện tặn thì mới có của dư. Mày xem cả đời có bao
giờ tao dám nghĩ tới bản thân. Được chín đồng ráng kiếm thêm đồng nữa
cho đủ mười.
- Thì tiện tặn cho lắm đùng một cái cũng tay trắng, Phước cười nhìn da thịt
mẹ trắng hồng hẳn ra khác hôm mới xuống, tiện tặn cũng tay trắng, ăn xài
cũng tay trắng thì tội gì không xài cho thích.
- Sư mày. Không chắt chiu lấy cứt nuôi chúng mày ăn học. Tao bảo thật
cho mà biết, con vợ mày cũng hoang đàng lắm, quần áo gì mà chật cứng
một tủ.
- Đàn bà mà bu! Ai chẳng vậy. Với lại con quan niệm sự làm việc và
hưởng thụ đừng nên để quá chênh lệch. Ở Mỹ không giống như Việt Nam
cứ quần quật làm đầu tắt mày tối, tậu nhà, tậu đất cho đứa này đứa kia mà
thực ra chúng đâu cần của ấy. Ở đây, một đứa trẻ chín, mười tuổi cũng có
thể kiếm ra tiền. Phải tập cho chúng biết giá trị của đồng tiền thì sự tiêu xài
mới có ý nghĩa. Con thấy có nhiều đứa trẻ được nuông chiều từ thuở nhỏ
nên lớn lên hư hỏng. Cha mẹ vừa nằm xuống để lại đất đai nhà cửa đầy dẫy