thấy những cái mọi người không nhìn thấy; hiện tại, tương
lai, cái nhỏ, cái to.
Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn Việt Nam nào
hết. Ngót ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn
giữ thuần túy, phong độ, ngôn ngữ, tính tình của người Việt
Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị như ngôn ngữ
người dân quê Việt Nam; Người khéo dùng tục ngữ, hay nói
ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Làm thơ,
Người thích lối ca dao, vì ca dao là Việt Nam cũng như núi
Tràng Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy. Mấy
mươi năm xa cách quê hương, Người không quên mùi vị
những thức ăn đặc biệt Việt Nam như cà muối, dưa chua,
tương ớt, và ngày thường bây giờ, Người vẫn ưa thích
những thứ ấy. Ngay sau khi về nước, gặp Tết, Người không
quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ
em, tuy chỉ có mấy đồng xu nhưng cũng bọc giấy hồng đơn
cẩn thận, tiêm tất. Bình sinh như thế, đứng địa vị Chủ tịch
chính phủ kháng chiến kêu gọi quốc dân, Người dùng những
lời nói thống thiết đi sâu vào tâm hồn Việt Nam: “Nhiễu
điều phủ lấy giá gương, người trong một nước thì thương
nhau cùng”.
Lối ăn ở của Hồ Chủ tịch giản dị như thế nào, chúng ta đã
từng biết. Lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em
trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt nhất
nhất như anh em. Có những lúc vì gạo thiếu hay khí hậu
nặng, cần ăn ít một chút Người cũng vui vẻ chịu đựng cùng
anh em. Kể ra Người có chỗ được biệt đãi: Đó là bát nước
cơm mà anh Lộc, đồng chí cấp dưỡng lành nghề và thân
mến của chúng tôi lúc ấy, bao giờ cũng để dành riêng cho
Người từ biên giới Cao Bằng cho đến Tân Trào, trước khi về