cực lắm, có lần suốt mấy tháng mùa mưa Hồ Chủ tịch ở
trong một cái hang chật hẹp ẩm thấp, ban đêm sâu bọ ở
ngoài tràn vào. Lúc ấy vì cơ sở quần chúng kém, nên phải
ẩn nấp trong hang cùng, và cũng vì cơ sở quần chúng kém,
nên dẫu ẩn nấp trong hang cùng mà cũng không yên,
thường vẫn phải chạy “cảnh báo”. Hễ có “cảnh báo” là phải
mang hết đồ đạc chạy lánh đến một chỗ an toàn hơn. Lúc
ấy Hồ Chủ tịch yếu, nhưng bất kỳ đêm ngày, hễ có tin địch
là mấy phút sau Người đã sẵn sang trước anh em, tay xách
bàn máy đánh chữ.
Lúc đến Pháp, ngay hôm gặp đầu tiên, lối ăn ở giản dị của
Hồ Chủ tịch làm cho kiều bào rất cảm động. Hôm ấy, tại Bi-
a-rít, đại biểu kiều bào đến thăm Người, hồi hộp và sung
sướng. Khách đông phòng khách không đủ ghế ngồi, giản dị
Hồ Chủ tịch ngồi xuống sàn và mời mọi người ngồi thế nói
chuyện. Đây không phải vị Chủ tịch chính phủ, đây là cha
già của dân tộc ân cần và thân mật hỏi thăm đàn con bao
năm lưu lạc ở quê người.
Hồ Chủ tịch, người giản dị ấy, cũng là người lịch sự một
cách thanh tao cao quí và mọi người ngoại quốc có dịp tiếp
chuyện Người đều ca ngợi cái phong độ thanh tao cao quí
mà họ cho là đặc sắc của phương Đông. Ở chiến khu, trong
cơ quan, Hồ Chủ tịch thường mặc một bộ đồ xanh, chân đi
đất; về Hà Nội, Người mặc một bộ đồ kaki, chân đi giầy vải.
Nhưng sang Pháp thì Người mang giầy da và mặc một bộ
đồ nỉ, cổ đứng. Ở Ba-lê có ngày Hồ Chủ tịch tiếp luôn ba
bữa cơm khách, bữa sáng với bạn thân, bữa trưa với khách
thường, bữa tối với khách đặc biệt, mỗi bữa có khi kéo dài
ba tiếng đồng hồ, nhưng Hồ Chủ tịch thủy chung vẫn ân
cần niềm nở.