Hồ Chủ tịch rất vui tính, vì vốn có cái tính lạc quan của
những người quyết chiến quyết thắng ngày nay và quyết
tâm xây đắp đời sống tốt đẹp cho dân tộc ngày mai. Trong
những bữa cơm, tiệc trà thân mật giữa nhân viên cao cấp
chính phủ, Hồ Chủ tịch vui thú, nói chuyện, làm thơ, khôi
hài. Một đôi khi, Người thoạt đến những buổi dạ hội tưng
bừng ở nhà Hát lớn Hà Nội, các cháu thiếu nhi quây quần
lại, nhưng một lát sau, Người nhẹ bước biến đi đâu mất.
Người thích hoa và có kể câu chuyện ở Nga cũng như ở các
nước Âu Mỹ, người ta dùng phi cơ chở các thứ hoa ở xa về
để trang điểm đời sống hang ngày cả đô thị lớn. Nhưng
trong vườn hoa Chủ tịch phủ, hoa ngày càng nhường chỗ
cho khoai, bắp. Gần Côn Minh, có núi Tây Sơn, một thắng
cảnh có tiếng; một hôm anh em muốn đi xem, Hồ Chủ tịch
bảo: “Nếu tiện lắm sẽ hay; chúng ta là người cách mạng
chứ không phải kẻ du lịch.”
Đời sống Hồ Chủ tịch là một đời sống khắc khổ, cần lao và
tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc mất nước không
thể có một đời sống khác. Phải khắc khổ, cần lao và tranh
đấu để mưu cầu hạnh phúc ngày mai. Có người e đời sống
nghiêm khắc ấy không còn chỗ cho tình cảm. Nhưng chính
Hồ Chủ tịch thường nói người cách mạng là người rất giàu
tình cảm, và vì giàu tình cảm nên làm cách mạng. Người
mà cả dân tộc tôn làm vị cha già của mình phải có lòng
thương mênh mông xúc động đến tâm can của mọi người.
Trong thời kỳ bí mật, phút mặc niệm chiến sĩ cách mạng là
lúc Hồ Chủ tịch rơi nước mắt. Tại Quốc Hội Hồ Chủ tịch vừa
khóc vừa ôm hôn anh Nguyễn Văn Tạo sau khi anh đọc một
bài diễn văn thống thiết về Nam Bộ.