y như một người đàn bà khóc con; toàn những chuyện lặt vặt trong gia đình,
hồi nhỏ côi cút ra sao, lớn lên xa cách nhau ra sao, thư từ viết cho nhau ra
sao, thương nhớ nhau ra sao; đương thương khóc về hiện tại lại nhảy lui về
dĩ vãng, rồi nghĩ tới tương lai, trách trời rồi lại trách mình; có lúc như
hoảng hốt thác loạn, không tin cả bức thư của Đông Dã, thiệp báo tin của
Cảnh Lan, rồi bỗng bừng tỉnh dậy, thương cho mình tóc đã hoa râm, răng đã
lung lay, mắt đã mờ; cuối cùng trách mình một hơi sáu điều không phải với
cháu: cháu đau đã không biết, cháu chết cũng không hay, sống không nuôi
cháu, chết không gặp cháu, không liệm cháu, không đưa ma cháu; lời nào
cũng cảm động, thống thiết; những chữ dã, chữ hĩ và chữ hồ rơi xuống y
như những giọt nước mắt ở trên giấy vậy.
Cổ nhân nói: “Người nào đọc bài “Trần tình biểu” của Lí Mật mà không
rưng rưng nước mắt thì không có hiếu; đọc bài “Tế Thập Nhị lang văn” này
mà không rưng rưng nước mắt thì không có tình gia đình”, lời đó đúng.
Trong tất cả các bài tế của Trung Hoa, không hề dùng kĩ thuật mà lại nổi
danh nhất, chính là bài này. Cho hay văn cốt để cảm người, mà khi xúc
động đã cực mạnh thì cứ bình dị, tự nhiên diễn nỗi lòng của mình ra là đủ.
Kĩ thuật lúc đó không còn cần thiết nữa.