Dã khi viết thư cho chú, hỏi người sai đi, người này không biết mà đáp càn.
Phải vậy chăng? Hay là không phải vậy?
Nay chú sai Kiến Trung lại tế cháu, viếng con côi và nhũ mẫu của cháu.
Nếu những người đó đủ ăn đợi cho đến hết tang thì ở lại cho đến hết tang
rồi chú sẽ đón về ở với chú; nếu không giữ được cho đến hết tang thì chú
cho đón ngay. Còn nô tì thì đều bắt để tang cháu. Chú mà đủ sức để cải
táng sẽ cải táng cháu về bên cạnh mồ mả tổ tiên, có vậy mới toại nguyện
chú.
Hỡi ơi! Cháu đau, chú không biết lúc nào; cháu mất chú không hay ngày
nào; cháu sống chú không nuôi được cháu để ở chung với nhau; cháu chết
không được vỗ thây cháu mà khóc; khi liệm cháu, chú không đứng dựa bên
quan tài; khi hạ quan, chú không tới huyệt! Hành động của chú trái với
thần minh nên cháu mới yểu; chú bất hiếu bất từ nên mới không được cùng
cháu nuôi nhau để sống với nhau cho đến chết. Một kẻ ở chân trời, một kẻ ở
góc biển; cháu sống mà bóng cháu chẳng cùng với hình chú dựa nhau,
cháu chết mà hồn cháu chẳng được gặp chú trong giấc mộng; thực là tại
chú cả, còn oán nỗi gì? Trời xanh xanh kia! Khổ bao giờ hết?
Từ nay trở đi, chú không còn bụng gì mà nghĩ đến nhân thế nữa. Chỉ cần
có vài miếng ruộng ở Y, Dĩnh
để đợi tuổi thừa, dạy bảo con chú và con
cháu may mà chúng thành người, nuôi con gái chú và con gái cháu đợi
chúng xuất giá, chỉ cầu bấy nhiêu thôi!
Hỡi ơi! Lời thì hết mà tình thì vô cùng. Cháu biết cho chăng? Không biết
cho chăng? Ô hô, buồn thay! Buồn thay! Mời cháu về hưởng.
NHẬN ĐỊNH
Đời Đường, qui tắc về thơ rất khắc khe, bố cục phải nghiêm chỉnh. Hàn
Dũ rất trọng những phép đó, (bài Tống Lí Nguyện qui Bàn Cốc tự bố cục
phân minh biết bao) mà bài này, ông liệng bỏ tất cả những luật về kĩ thuật
đó đi, vì ông không làm văn nữa mà chỉ khóc cháu. Ông nghĩ tới đâu, viết
tới đấy – không, nhớ tới đâu kể tới đấy – tưởng chừng như cháu ông còn
sống ở trước mặt ông mà than thở với cháu vậy. Ý tứ lộn xộn, lời lẽ lôi thôi,