nguyện phục tùng cái kỉ luật toàn trị mà họ sẽ dùng vũ lực áp đặt cho toàn
bộ nhân dân.
Mặc dù các đảng xã hội chủ nghĩa là những đảng khá mạnh, nếu quyết
định sử dụng bạo lực thì họ có thể giành được tất cả những thứ mà họ
muốn, nhưng họ đã dao động. Chính họ cũng không ngờ rằng mình đã đặt
ra mục tiêu mà chỉ có những kẻ tàn nhẫn, những kẻ sẵn sàng bước qua mọi
rào cản về đạo đức mới có thể thực hiện được.
Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện
pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa phản đối, đấy chính là bài học
của nhiều nhà cải cách xã hội trong quá khứ. Các đảng xã hội chủ nghĩa cổ
điển hoạt động trong khuôn khổ của các lí tưởng dân chủ; họ không có tính
tàn nhẫn cần thiết để thực thi các nhiệm vụ mà họ đã chọn. Điều đặc biệt là
cả ở Đức lẫn ở Ý, chủ nghĩa phát xít đã thành công sau khi các đảng xã hội
từ chối nhận trách nhiệm lãnh đạo chính phủ. Họ không muốn áp dụng một
cách triệt để những biện pháp mà học thuyết của họ đã dạy. Họ vẫn hi vọng
vào phép màu rằng đa số sẽ đồng ý về một kế hoạch tổ chức toàn bộ xã hội,
nhưng những người khác thì đã học được bài học rằng trong xã hội được kế
hoạch hóa vấn đề không còn là đa số sẽ đồng ý mà là nhóm lớn nhất là
nhóm nào, chỉ cần các thành viên của nó đồng ý là đủ để hình thành đường
lối thống nhất cho tất cả mọi công việc. Còn nếu chưa có một nhóm như thế
thì ai và làm thế nào để thành lập ra một nhóm như thế.
Có ba lí do vì sao cái nhóm đông và mạnh, với những thành viên có quan
điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà
thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội. Theo tiêu chuẩn của
chúng ta thì cái nhóm như thế chỉ có thể hình thành trên những nguyên lí
hoàn toàn mang tính tiêu cực.
Thứ nhất, những người có trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị
hiếu và quan điểm càng phân hóa, họ khó có thể thống nhất về bất cứ thang
giá trị cụ thể nào. Nghĩa là nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao
về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp xã hội với tiêu