những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Và nếu một lúc nào đó số phận buộc tôi phải
sống dưới chế độ phát xít thì tôi sẽ thích chế độ phát xít do người Anh hay
người Mĩ đứng đầu hơn bất kì người đứng đầu nào khác. Nhưng xét theo
tiêu chuẩn hiện nay thì điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít
của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng.
Có đầy đủ lí do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống
toàn trị hiện nay không phải là sản phẩm phụ ngẫu nhiên mà là những hiện
tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra. Khi một chính khách
dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì
chẳng mấy chốc ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp
nhận chế độ độc tài hay từ bỏ các dự định của mình, còn nhà lãnh đạo toàn
trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. Đấy là
lí do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị những kẻ vô liêm sỉ
thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng
cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và chế
độ tự do, không hiểu điều đó là không hiểu được rằng đạo đức tập thể
không thể đội trời chung với những giá trị nền tảng của chủ nghĩa cá nhân
của nền văn minh phương Tây.
“Cơ sở đạo đức của chủ nghĩa tập thể” đã từng là đề tài của nhiều cuộc
thảo luận, nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây không phải là cơ sở đạo đức
của nó mà là những hệ quả đạo đức của nó. Các cuộc thảo luận về khía
cạnh đạo đức của chủ nghĩa tập thể thường bàn vấn đề là liệu chủ nghĩa tập
thể và các nguyên tắc đạo đức hiện hành có tương thích với nhau hay
không hay là muốn cho chủ nghĩa tập thể thực hiện được những điều mà
người ta hi vọng thì phải lập ra những nguyên tắc đạo đức mới nào. Nhưng
chúng ta sẽ đặt vấn đề theo một cách khác: tổ chức xã hội theo chủ nghĩa
tập thể sẽ đưa đến những nguyên tắc đạo đức nào hay quan điểm đạo đức
nào sẽ ngự trị? Tác động qua lại giữa đạo đức và các thiết chế xã hội có thể
dẫn đến hệ quả là đạo đức do chủ nghĩa tập thể tạo ra có thể sẽ khác hoàn
toàn với những lí tưởng đạo đức đã từng làm cho người ta thấy cần phải có
chủ nghĩa tập thể. Chúng ta thường nghĩ rằng nếu lòng khao khát chủ nghĩa