X. Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?
Quyền lực dẫn đến tha hóa quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối.
Lord Acton
Bây giờ chúng ta sẽ xem xét quan niệm làm chỗ dựa cho những người
cho rằng chế độ toàn trị là tất yếu; nó là quan niệm làm suy sụp sức kháng
cự của nhiều người khác, những người sẽ chiến đấu một mất một còn với
nó nếu họ hiểu được bản chất của nó. Quan niệm này cho rằng các đặc
điểm kinh tởm nhất của các chế độ toàn trị xảy ra là do sự ngẫu nhiên của
lịch sử, ở đâu cũng đều do những người đê tiện và lưu manh thiết lập nên.
Và nếu, thí dụ, ở Đức những người như Streicher và Killinger, Ley và
Heine, Himler và Heydrich nắm được quyền lực, thì điều đó chỉ chứng tỏ
rằng người Đức là một dân tộc xấu xa chứ không phải việc nổi lên của
những kẻ như thế là kết quả tất yếu của hệ thống toàn trị. Chả lẽ những
người tử tế, những người lo lắng cho lợi ích của cộng đồng, những người sẽ
giải quyết những nhiệm vụ vĩ đại lại không thể đứng đầu hệ thống toàn trị
được ư?
Chúng ta chớ có tự dối lòng: không phải cứ người tốt là dân chủ và
không phải tất cả người tốt đều muốn tham gia quản lí nhà nước. Không
nghi ngờ gì rằng nhiều người thích giao việc đó cho những người mà họ
cho là có hiểu biết hơn. Và điều này nghe có vẻ không hợp lí lắm, nhưng tại
sao lại không ủng hộ chế độ độc tài của những người tốt? Chế độ toàn trị là
một hệ thống hữu hiệu, nó có thể làm cả việc tốt lẫn việc xấu, tất cả phụ
thuộc vào nhà độc tài, họ lí luận như thế. Và nếu ta không phải sợ hệ thống
mà chỉ phải sợ những người lãnh đạo không ra gì thì điều đáng quan tâm
đơn giản chỉ là khi thời cơ đến phải làm sao để quyền lực rơi vào tay những
người tốt là được.
Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mĩ sẽ khác rất
xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hóa
được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hi vọng có được