Lời bạt: Vấn đề tri thức trong “trật tự tự phát” của Hayek
Lữ Phương
1
“Trật tự” là khái niệm then chốt trong hệ thống lý luận của Hayek, nhân
vật được một số người gọi là “giáo chủ của chủ nghĩa tự do cực đoan”.
Vị “giáo chủ” này có vẻ như là một người lạc quan, mọi thứ có như thế nào
thì đối với ông, tất cả đều được sắp xếp đâu vào đó rồi, thế giới mà chúng
ta đang sống đã tiến theo một lộ trình không hề hỗn loạn, tan vỡ như một số
học giả đang thuyết minh. Hayek hay nói đến khái niệm “trật tự” là như
thế: chỗ nào cũng là trật tự, “trật tự tự nhiên”, “trật tự thị trường”, “trật tự
tự phát”, “trật tự mở rộng”… nhưng có một thứ trật tự làm nền móng cho
tất cả những thứ trật tự: đó là “trật tự giác quan”, được Hayek nghiền ngẫm
và phác ra từ những năm 1920, sau này vào 1952 đem ra sửa chữa, viết lại
mang tên The Sensory Order. Nội dung của cuốn sách đặt ra một vấn đề
cực kỳ hóc búa về triết học, thường gọi là vấn đề nhận thức (“nhận thức
luận”), đề cập bản chất của cái phần tinh anh nhất của con người là cái hiện
thực tinh thần với những câu hỏi quen thuộc nêu ra cả nghìn năm nay vẫn
còn tranh cãi - tinh thần con người là gì, nó từ đâu tới với chúng ta, nó quan
hệ với thế giới bên ngoài như thế nào, bằng cách nào con người tiếp xúc và
hiểu biết thế giới đó…
Có một điều mới lạ mà nhiều người đã nhận ra (và Hayek dường như
cũng đồng ý) khi thấy bước khởi đầu của lý luận nhận thức ấy của Hayek
có vẻ hơi… duy vật chủ nghĩa! Tinh thần không thuộc cõi siêu nhiên, thần
bí nào đó nhập thể vào con người mà chính là sản phẩm của bộ óc của
chúng ta. Nhưng với Hayek, sự giống nhau đó chỉ là bề ngoài: tinh thần tồn
tại trong bộ óc và bằng bộ óc, nhưng cơ quan này chỉ giữ vai trò một cái
trạm trung gian chuyển hoá các dữ kiện của thế giới bên ngoài thành một
thứ trật tự mới hiện diện trong cơ thể con người, trật tự này không phải là
bản sao, bản chụp, không “phản ánh hiện thực” bên ngoài, như lập luận của