Dẫn nhập
Các nghiên cứu phát hiện được gia phả của các hệ tư tưởng là những thứ làm người ta
bực bội nhất.
Lord Acton
Các sự kiện đương thời khác với sự kiện lịch sử ở chỗ ta không biết
chúng sẽ đưa mình tới đâu. Nhìn lại, chúng ta có thể hiểu được các sự kiện
trong quá khứ, có thể theo dõi và đánh giá được hậu quả của chúng. Nhưng
đối với chúng ta, lịch sử đang diễn ra lại không phải là lịch sử. Nó hướng
đến những miền đất lạ và chúng ta hầu như chẳng bao giờ có thể đoán được
những chuyện sẽ đợi mình trong tương lai. Mọi chuyện sẽ khác nếu ta có
điều kiện trải qua cùng những sự kiện đó một lần thứ hai, khi đã biết trước
kết quả của chúng. Khi đó chúng ta sẽ nhìn sự vật với con mắt hoàn toàn
khác và sẽ nhận thấy những tín hiệu của sự biến dịch mà hôm nay chúng ta
gần như không nhận thức được. Nhưng kinh nghiệm như thế là không thể
xảy ra, con người không thể biết các quy luật của lịch sử, mà có lẽ như thế
lại là may.
Mặc dù lịch sử không lặp lại theo đúng nghĩa đen của từ này, nhưng mặt
khác, sự phát triển của các sự kiện lại không phải là một tiến trình tất yếu,
chúng ta có thể rút ra được những bài học từ quá khứ nhằm ngăn chặn sự
lặp lại của một số quá trình nào đó. Không cần phải là nhà tiên tri mới có
thể nhận thức được mối đe dọa đang đến gần. Đôi khi sự kết hợp giữa kinh
nghiệm và mối quan tâm lại bất ngờ cho phép một người nhìn thấy các sự
vật dưới góc độ mà nhiều người khác không nhận ra.
Những trang sau đây là kết quả rút ra từ kinh nghiệm của tôi. Tôi dường
như đã sống đến hai lần trong cùng một giai đoạn, ít nhất là đã quan sát đến
hai lần sự tiến hóa tương tự của các hệ tư tưởng. Một người sống suốt đời
trong một nước thì khó mà có kinh nghiệm như thế, nhưng nếu sống đủ lâu
ở những nước khác nhau thì trong một số hoàn cảnh nhất định kinh nghiệm
như thế là hoàn toàn có thể xảy ra. Dù là tư tưởng của phần lớn các dân tộc