Thưa tiên sinh,
Đọc những lời này, liệu ngài có cho rằng tôi đang nằm mơ hoặc
đang bị bệnh thần kinh? Tôi thừa nhận, tâm lý của cô tôi đã phát
sinh nhiều vấn đề, vợ tôi vì khát khao có một đứa con nên thần
kinh cũng không bình thường lắm, nhưng tôi hy vọng là ngài có thể
thông cảm và tha thứ cho họ. Một người tự nhận là mình đã phạm tội
lúc nào cũng tìm cách để an ủi mình, cũng giống như ngài quá quen
biết với nhân vật đáng thương là chị Tường Lâm trong truyện ngắn
“Chúc phúc” của Lỗ Tấn tiên sinh. Những người tỉnh táo không nên
phá hoại những mơ tưởng của họ. Cứ để cho họ có một tia hy vọng và
để cho họ có một hướng giải thoát, để cho họ khỏi mơ thấy ác mộng
trong khi ngủ, để cho họ có thể sống an lành như người chưa từng
phạm một tội ác nào. Tôi phục tùng cô tôi và “Tiểu sư tử”, thậm chí là
tôi cố gắng để tin vào những gì mà họ đã tin. Có thể đó là một sự
lựa chọn chính xác của tôi. Cho dù tôi vẫn biết là những người có
đầu óc khoa học sẽ cười nhạo mình, những người đứng trên đỉnh cao
của đạo đức sẽ phê bình mình, thậm chí là có thể có những người có
trình độ giác ngộ cá biệt sẽ tố cáo mình với những cơ quan hữu
trách, nhưng tôi không muốn thay đổi mình. Vì đứa con, vì cô tôi và
“Tiểu sư tử” - hai người đàn bà đã từng tham gia vào một công tác đặc
biệt trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, tôi tự nguyện tiếp tục làm
một kẻ ngu xuẩn dưới mắt những bậc thức giả và những nhà đạo đức.
Ngày ấy, cô tôi đã lấy ống nghe để nghe ngóng khắp người
“Tiểu sư tử”. “Tiểu sư tử” nằm ngửa, gương mặt đầy vẻ an tường và
hạnh phúc, còn cô tôi thì nghe trong trạng thái tập trung đầy vẻ
nghiêm trang thần thánh. Nghe xong, cô tôi dùng bàn tay vốn được
mẹ tôi ca tụng nhiều lần ấn ấn lên vùng bụng của “Tiểu sư tử”,
nói: “Phải đến năm tháng rồi nhỉ? Quá tốt! Tiếng tim của thai
nhi rất rõ ràng, vị trí của thai nhi rất thuận lợi”.
“Sáu tháng rồi cô à”. Mặt “Tiểu sư tử” đầy vẻ hàm hồ, nói.