- Về đại thể, âm thanh có hai loại: thanh hạ và thanh cao. Thanh hạ là
do lòng người yên tĩnh, không cạnh tranh mà có được. Đó âm thanh của
thiên nhiên, trời đất và của người thời thượng cổ, người ta gọi đó là tĩnh, là
hòa. Đời sau, lòng người cấp bách háo sự, thích cạnh tranh cho nên tạo ra
thanh cao, đó gọi là động, là bất hòa. Âm thanh quí ở hòa. Thanh có hòa thì
mới có thể nhập vào tâm hồn con người và hòa với cái tiểu ngã của bản
thân để trở về với đại ngã của vũ trụ. Do đó, thanh hạ là an, là hòa. Thanh
cao là nguy, là loạn. Người xưa lấy âm nhạc để suy đoán ra vận nước, bởi
vì âm thanh là tiếng lòng của nhân loại, là biểu tượng văn hóa và tâm hồn
của một dân tộc. Lòng người động tức nước loạn, lòng người tĩnh nước sẽ
an. Đó cũng chính là cái vi diệu của âm thanh. Khi người nghệ sĩ đưa được
trạng thái tâm linh của mình vào tiếng đàn, họ sẽ tạo nên tuyệt khúc. Đó là
điều vi diệu của âm nhạc. Cho nên nhạc và họa, tuy hình thức thể hiện khác
nhau nhưng có cùng một cội nguồn là tiểu ngã và chung một tuyệt đích là
đại ngã.
Nghe chỉ điểm, Tôn Thất Dục như người vừa bước ra khỏi làn sương
mù, nét mặt ông trở nên rạng rỡ, miệng lẩm bẩm:
- Âm thanh là tiếng lòng của nhân loại, là biểu tượng văn hóa và tâm
hồn của một dân tộc. Vậy văn hóa thuần Việt, tâm hồn thuần Việt được
biểu hiện dưới dạng âm thanh nào, của nhạc khí nào?
- Tính chất của âm thanh vốn mơ hồ nên sự cảm nhận tùy thuộc vào
tâm hồn của từng người. Riêng về nhạc khí thì có thể nói hầu hết các nhạc
khí thông dụng trong nước ta không ít thì nhiều đều mang chung những sắc
thái, mẫu mã của nhiều dân tộc khác. Thí chủ tâm sáng, trí sáng, lại có lòng
với dân tộc sao không tìm ra một nhạc khí tạo nên một âm thanh đặc trưng
cho tâm hồn của người Việt ta?
Tâm thần Tôn Thất Dục như vẫn còn trong trạng thái mơ màng nên
miệng tiếp tục lẩm bẩm: