một kỷ cương, an vui, hạnh phúc hơn. Đạo dạy người quân tử phải giữ cho
được chữ trung dung, biết trung hòa, chừng mực không thái quá cũng
không bất cập. Với đạo Thích, tức là đạo Phật thì bao la, cao siêu và huyền
nhiệm. Ở những người trí huệ, đạo Phật là "giác ngộ" còn ở cái nhìn trong
đời thường, đạo Phật là "từ bi". Đạo khuyên ta trước hết hãy giác ngộ để tự
giải thoát mình, sau đó đem cái tâm từ bi yêu thương giúp cho chúng sinh
trong vũ trụ này thoát ra khỏi bể trầm luân. Con thấy đó, đạo nào cũng
muốn đưa con người đến chỗ an lạc, hạnh phúc, chỉ có phương cách và
hướng đi là khác nhau thôi. Do đó, mới có chủ trương “tam giáo đồng lưu”,
dung hòa ba đạo lại để cùng nhau phục vụ con người, tránh bớt những tị
hiềm khác biệt về tôn giáo.
Trọng Hào hỏi:
- Thưa thầy, các đạo ở Trung Hoa và Ấn Độ đều xây dựng một con
người kiểu mẫu. Ở Đại Việt ta, người như thế gọi là hiệp sĩ. Vậy người hiệp
sĩ của chúng ta dựa trên căn bản của đạo nào?
- Con hỏi hay lắm. Trước khi có những nền triết học bên ngoài du
nhập vào thì dân ta đã có một nền Minh triết thuần túy nhân bản, gọi là Việt
Nho, khác với Hán Nho của người Hán. Sau này vì bị áp chế bởi giặc ngoại
xâm, nền Hán Nho đã thống trị đời sống tâm linh của người Việt. Tuy vậy
tinh túy Việt Nho vẫn luôn là cội rễ chính điều khiển tâm thức và lối sống
của người Việt chúng ta. Khi các nền triết học và tôn giáo khác du nhập
vào, người Việt đã tiếp nhận rồi dung hòa chúng với cái gốc của mình và
tạo thành một phong cách sống có sắc thái riêng biệt. Đó cũng là mục đích
của sự hòa đồng Nho, Thích, Lão mà chúa Phúc Chu đề xướng. Và người
hiệp sĩ của chúng ta chính là sự hòa hợp đó. Người hiệp sĩ có cái khí tiết
quân tử, đức độ trung dung của Nho giáo, có tính ung dung tự tại của Lão
giáo, có cái tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt Nho
nguyên thủy.