Giọng Lía còn chưa hết vẻ bùi ngùi:
- Đó là chuyện của Thiên Tường do Trương Tam kể lại. Từ đó đến nay hắn
cùng Trương Tam ở lại Truông Mây. Nhưng hắn dường như đã biến thành
tên câm, nghe được tiếng nói của hắn còn khó hơn được nghe tiếng ông trời
gầm. Tuy nhiên, trên giang hồ, hắn lại vang danh là Thiên hạ đệ nhất Vô
ảnh phi đao.
Nói xong chàng lại bật cười ha hả. Tiếng cười sang sảng vang khắp núi
rừng. Vọng âm khi dội lại mang theo một chút gì đó vừa bi thương vừa
hùng tráng. Nó bi và hùng như hình bóng của ba chàng nghĩa sĩ Truông
Mây đang in giữa cảnh hùng vĩ và u tịch của rừng núi Tây Nguyên vậy.
Núi Đá Vách hay Thạch Bích Sơn nằm ở phía tây Quảng Ngãi, thuộc phía
đông nam huyện Sơn Hà, phía tây của đường thượng đạo. Đây là địa bàn cư
trú của các dân tộc như: Kor, Ktu, BaNa, XơĐăng... nhưng nhiều nhất vẫn
là người H’rê.
Bấy giờ, tù trưởng bản Đá Vách là H’Phon, một người đàn ông lực lưỡng
tuổi khoảng bốn mươi, mặt vuông trông hùng dũng, tính nóng nảy nhưng
thẳng thắn. Đến bản Đá Vách, bọn chú Lía đã được H’Phon tiếp đón trong
ngôi nhà làng, một gian nhà sàn dài. Ngoài H’Phon, còn có các nhân vật
chủ chốt khác như già làng, một cụ già tóc đã bạc phơ chuyên coi sóc việc
cúng tế thần linh cho bản và một người phụ tá của tù trưởng cùng bốn dũng
sĩ nữa. Vì danh chàng Lía Truông Mây đã quen thuộc với các buôn làng
miền núi nên tù trưởng H’Phon và cả dân bản Đá Vách cũng chẳng lạ gì, vì
vậy họ tiếp đón bọn Lía rất ân cần. Tuy nhiên, trên gương mặt mọi người
đều lộ ra vẻ lo lắng, không vui. Trần Lâm nghĩ thầm trong bản chắc là đang
có sự cố gì đó. Chàng lên tiếng hỏi:
- Dường như các ông đang có chuyện không vui thì phải?
Già làng lên tiếng:
- Người con gái duy nhất của tù trưởng, cô tiên nữ của bản chúng tôi, đang
mắc một chứng bệnh kỳ lạ mà cả bản không sao hiểu được. Chúng tôi đã
thuốc thang đủ loại, cầu đảo thần linh nhiều ngày mà bệnh nhân vẫn cứ mỗi
ngày một suy nhược hơn. Nay đã hơn nửa tháng rồi. Ôi đấng thần linh vô
thượng!