ÉN LIỆNG TRUÔNG MÂY - TẬP 3 - Trang 353

Thiên Tường bỗng lên tiếng:
- Thanh kiếm ấy uy lực như thế nào?
Già làng nói:
- Thuở xa xưa, có một năm trời hạn hán kéo dài. Sông Pa, sông A Yun cạn
kiệt, cây rừng không mọc nổi, muông thú bỏ đi. Người JaRai đói khát phải
lấy cây mục chấm mật ong ăn qua ngày, lấy hạt cây le nấu thành cơm ăn
thay gạo. Trước tình cảnh đó, hai anh em T’Dia và T’Diêng lấy một hòm
sắt ở miệng núi lửa Hàm Rồng để rèn thành một thanh gươm là PơTao -
APui. Và họ đưa ra lời nguyền: “Ai có được thanh gươm sẽ có thể hô
phong hoán vũ”. Thế nhưng sau khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực,
không chịu nguội. Nhúng vào ghè, ghè cạn, nhúng xuống suối, suối khô,
nhúng xuống sông, sông hết nước... Cuối cùng, hai người bèn đem thanh
gươm nhúng vào máu của nô lệ. Kỳ lạ là nó xèo xèo vài cái rồi nguội ngay
lập tức. Khi thanh gươm vừa nguội thì anh em T’Dia, T’Diêng vứt xuống
sông. Hay tin, các bộ tộc người trong khu vực thi nhau xuống sông lặn tìm
thanh gươm. Người JaRai tìm thấy lưỡi gươm còn người Kinh các ông giữ
vỏ gươm. Truyền thuyết gươm thần của người JaRai được nhiều dân tộc
công nhận, trong đó có người H’rê chúng tôi. Người nắm giữ gươm thần
PơTao - APui được gọi là Vua Lửa PơTao. Với người JaRai, Vua Lửa là vị
trí cha truyền con nối nên gươm thần cũng là bảo vật gia truyền. Không
ngờ cách đây trăm năm, thanh gươm thần đó đã bị thất lạc, đến nay còn
chưa tìm lại được.
Trần Lâm hỏi:
- Thế già làng có thể nhận diện cây thần kiếm đó không?
Già làng trầm ngâm:
- Theo lời kể thì thanh thần kiếm đó cả hai bên cán đều có khắc một ngọn
lửa, bên dưới ngọn lửa là hai chữ cổ JaRai đọc là “vô thượng”. Chữ này
mang ý nghĩa quyền uy vô thượng, hô phong hoán vũ.
Trần Lâm nhìn sang Lía. Lía bèn lấy thanh kiếm trên vai xuống, rút ra khỏi
bao rồi đưa cho tù trưởng:
- Các ông xem thử thanh kiếm này.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.