Giáo Hiến nghe Nguyễn Huệ hỏi thì mỉm cười. Ông nhìn cậu học trò nhỏ
có đôi mắt sáng quắt và vầng trán rộng trả lời:
- Việc này đã gây ra không ít xáo trộn trong triều đình phủ chúa Đàng
Trong. Có một số ít người phản đối vì cho rằng chúng ta vẫn còn là thần
dân của nhà Lê, còn lại đa phần thì cho rằng Đàng Trong từ lâu đã là một
đất nước riêng, do các đời Chúa Nguyễn bỏ công sức mở mang khai phá,
độc lập hoàn toàn với vua Lê ở Đàng Ngoài. Hơn nữa, để tránh dân chúng
hoang mang vì lời sấm kia nên họ tán đồng việc Chúa Nguyễn xưng vương,
lấy quốc hiệu là An Nam khi đối ngoại với nhà Thanh hay các nước lân
bang.
- Những ai phản đối, thưa thầy?
- Đại biểu cho số này phải kể đến quan Hàn lâm học sĩ Nguyễn Quang
Tiền. Ông này vì chống đối mà bị bãi chức.
Nguyễn Huệ nghe đến đây lòng cảm thấy phấn khích, bỗng vỗ tay đánh
bốp một cái. Sau nghĩ lại thái độ của mình hơi vô lễ nên đỏ mặt ấp úng
thưa:
- Xin lỗi thầy, con vô ý. Con xin được hỏi tiếp. Vậy quan điểm của thầy về
vấn đề này như thế nào?
- Đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Lúc đầu, bá quan vì muốn tránh lời sấm
cho nên mới xin chúa xưng vương. Sau vì đã có vương vị nên triều đình
mới nghĩ đến phải có một đất nước riêng để cho danh chính. Vì vậy trong
các văn thư đối ngoại, chúa Võ tự xưng là An Nam quốc vương...
Nguyễn Huệ nóng nảy chen vào:
- Thưa thầy, như vậy là nước Đại Việt ta trở thành hai nước riêng biệt, độc
lập nhau hay sao?
- Lúc đó cả triều thần và Võ vương đều nghĩ như thế. Họ chỉ còn chờ nhà
Thanh chấp thuận nữa mà thôi.
- Thầy có đồng tình với họ không?
- Những người có lòng với sự tồn vong của Việt tộc không ai mong muốn
điều đó xảy ra cả. Nhưng vì gần hai trăm năm khai phá, mở mang và xây
dựng, họ Nguyễn và một số triều thần cho rằng họ xứng đáng có được một
cương thổ riêng cho mình.