- Việc ông nhờ tôi đã làm xong. Giờ chúng ta dẹp chuyện ấy sang một bên
để uống rượu cho thỏa. Còn nếu ông gấp việc phải đi thì cứ tùy tiện, đừng
ngại.
Đỗ Thành Nhơn đứng dậy, cất kỹ phong thư vào trong người rồi trịnh trọng
vái Ngô Thế Lân một lạy nói:
- Tôi xin thay mặt hàng vạn binh sĩ triều đình mà lạy tạ ông đã ra tay cứu
mạng. Việc này cần kíp, tôi xin cáo từ, khi nào có dịp tôi sẽ trở lại thăm
ông.
Ngô Thế Lân vái đáp trả rồi nói:
- Nếu có trở lại, xin hãy đến như một người bạn.
Đỗ Thành Nhơn đỏ mặt nói:
- Tôi thật có lỗi đã quấy rầy sự thanh nhàn của ông. Xin cáo từ.
Ngô Thế Lân tiễn bạn ra cửa, nhìn theo bóng con tuấn mã chở Đỗ Thành
Nhơn khuất dạng trong bóng hoàng hôn mà buông tiếng thở dài lẩm bẩm:
- Nếu Truông Mây có bậc chơn chúa thì ta sẽ không giúp ông đâu. Đáng
tiếc! Thật đáng tiếc!
Nguyễn Cửu Thống sau khi đem đội thủy quân vào đóng ở đầm Hải Hạc đã
thân hành đến thành Quy Nhơn gặp bọn Nguyễn Khắc Tuyên và các tướng
lãnh để họp bàn. Trong buổi họp, Cửu Thống nói:
- Trước mặt Quốc phó ta có hứa trong vòng một tháng sẽ tiêu diệt bọn cướp
Truông Mây, không ngờ bọn này lại có lắm kẻ tài giúp đỡ nên mọi sự đã
vượt ngoài sự tiên liệu của ta. Nay hai trong bốn cánh quân đã thất bại, chỉ
còn lại chúng ta ở đây, các ông có ý kiến gì hay không?
Tống Phước Hiệp tuy đã nghỉ ngơi mấy ngày nhưng bộ dạng hãy còn tiều
tụy, nghe Nguyễn Cửu Thống hỏi liền đáp:
- Thưa Nguyên soái, tất cả chúng ta quả thật đã bị hai chữ “cướp cạn” đánh
lừa mà xem thường địch thủ nên mới chuốc lấy thảm bại. Cá nhân tôi đã rút
ra một bài học xương máu cho mình và cũng xin khuyên tất cả hãy cẩn
trọng. Bọn Truông Mây quả thật là một đội binh mạnh có đủ mưu trí, dũng
cảm và sự đoàn kết cùng tấm lòng quyết tử. Để đối phó với một đội quân
như thế, chúng ta cần phải có một kế hoạch hành quân nghiêm chỉnh, thống
nhất cùng một lực lượng tướng tá, mưu sĩ tài giỏi và hùng mạnh.