có chuẩn bị mọi thứ về phòng thủ từ trước đến nay? Trần Lâm là người kỹ
tính, hắn sẽ không làm điều nguy hiểm đó đâu. Có chăng là chúng chỉ giả
bộ làm thế để chúng ta hoang mang, chia quân ra đỡ đòn mà thôi.
Cửu Thống hỏi:
- Theo ý ngươi thì sao?
- Nếu nguyên soái lo ngại thì có thể đưa một ít quân về giúp giữ phủ thành.
Còn lại nên tập trung vào để bao vây chặt chẽ và tấn công Truông Mây.
Như vậy sẽ có lợi hơn.
Cửu Dật vốn coi trọng viên hữu đội trưởng này nên tán thành:
- Thành Nhơn nói đúng. Tôi cũng tin như vậy.
Cửu Thống nói:
- Dù sao ông Chánh cũng nên đem năm trăm quân về giữ thành cho an
toàn.
Phan Ngọc Chánh vâng lệnh đi ngay. Bàn định xong, các tướng lãnh ai về
vị trí nấy để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công.
***
Tại thành Truông Mây, Lía cùng các thủ lĩnh cũng họp bàn cách cố thủ
trong thành. Trần Lâm đã cho rút toán quân giữ đèo Màn Lăng của Trương
Bàng Châu về trấn giữ mặt nam thành. Điểm lại quân số, trong cuộc chiến
vừa qua Truông Mây đã thiệt mất các đầu lĩnh Đinh Hồng Liệt, Trương
Văn Bảo, Đinh Cường, Võ Tiến, Đặng Thông và Bùi Tiến Hưng, còn nghĩa
binh thì thiệt mất hơn hai ngàn người. Các thủ lĩnh còn lại dự cuộc họp ai
nấy đều ngậm ngùi phẫn hận. Trần Lâm nói:
- Chuyện bất ngờ nhất trong chiến dịch vừa qua là việc Đỗ Thành Nhơn đã
khám phá ra con đường núi đánh bọc hậu chúng ta trên đèo Thạch Tân.
Việc này hoàn toàn nằm ngoài sự liệu tính của tôi. Mất đèo Thạch Tân, đại
binh của Cửu Dật kéo về uy hiếp mặt bắc nhánh sông An Lão nên tôi phải
quyết định rút hết về cố thủ Truông Mây, đợi chờ cơ hội phản công. Việc
đáng tiếc thứ hai là Võ Tiến đã hi sinh, bỏ trống đèo Ô Phi khiến cho
Nguyễn Cửu Thống thuận tiện kéo quân sang đánh úp trại An Dũ. Nhưng
việc đã qua, chỉ nên lấy đó làm kinh nghiệm cho việc sắp tới. Thành
Truông Mây với hai nhánh sông làm lũy chắn, các mặt khác có rừng núi