Phiên tòa này là lần đầu tiên Chân Ý ngồi vào ghế bị cáo. Cách thanh
lan can là hàng ghế dự thính đông nghịt người. Họ đều tò mò nhìn cô như
nhìn con thú trong lồng sắt. Cô liếc nhìn Ngôn Cách, anh cũng nhìn cô.
Mặc dù không thấy rõ, nhưng cô biết ánh mắt ấy nhất định sẽ dịu dàng và
chăm chú. Cô cụp mắt, ngẫm nghĩ luận điểm biện hộ của mình: “không giết
người”, “có khả năng tự khống chế”, “có thể tự chủ nhập viện điều trị”,
nhưng “không thể cưỡng chế giam giữ”. Cô mím môi: Không thể. Ngôn
Cách, nếu không phải vì anh thì em bằng lòng bị nhốt lại để không gây
thương tổn cho người khác. Nhưng trên đời này chỉ có anh có thể cứu vớt
em, cũng chỉ có em có thể cứu vớt anh. Thế nên dù trong mắt cả thế giới em
là kẻ tâm thần và phần tử nguy hiểm, nhưng vì anh mà phụ cả thế giới thì có
sao đâu?
Phía công tố đưa ra lời tố cáo đầy hàm ý, không phải “tội giết người”,
cũng không phải “tù chung thân” mà là “giết người trái phép” “không mang
ác ý có suy tính trước”. Như thế, bên khởi tố không cần đưa ra chứng cứ
xác thực chứng minh Chân Ý có ác ý với hai người kia và có mưu tính từ
trước. Họ chỉ cần chứng minh cô đã giết người và có vấn đề tâm thần, thì có
thể khiến tòa án ra quyết định nhốt Chân Ý vào “phòng theo dõi tội phạm ở
bệnh viện tâm thần”, tức phòng giam bệnh nhân tâm thần. Vụ án Hoài Như
và Dương Tư sẽ trở thành chứng cứ cô mất khống chế bản thân dẫn đến
“giết người trái phép”. Vì thế, họ thẩm lý hai vụ cùng một lúc.
Phòng xử án yên lặng như tờ, Chánh án tuyên bố mở phiên tòa. Doãn
Đạc tuyên đọc đơn khởi tố, bắt đầu thẩm vấn Chân Ý.
“Cô tên gì?” Vừa bắt đầu đã đầy thâm ý.
“Chân Ý.”
“Tên của nhân cách kia là gì?”