Thời hậu khủng hoảng
Các cuộc khủng hoảng nguy hiểm đôi khi lại đem đến một may mắn - nó
khiến mọi người nhận ra cái giá thảm khốc của đối đầu quân sự. Các cuộc
khủng hoảng cũng cung cấp cho những nhân vật chính quan điểm mấu chốt
của các bên. Sau khủng hoảng 1995-1996, Bắc Kinh và Washington, với
một tinh thần khẩn trương, đã tăng cường những nỗ lực để tránh chiến tranh
bằng cách đẩy mạnh trao đổi thông tin với nhau - Chủ tịch Giang Trạch Dân
và Tổng thống Clinton đã trao đổi các chuyến thăm nhà nước trong hai năm
1997-1998, và hai bên đã dành nhiều thời gian hơn trong những “đối thoại
chiến lược mở” về tình hình thế giới. Chính quyền Clinton bắt đầu chỉ trích
động thái của Đài Loan hướng tới độc lập là khiêu khích nguy hiểm. Trong
chuyến thăm năm 1998 tới Trung Quốc, Tổng thống Clinton làm chính phủ
Đài Loan (và Quốc hội Hoa Kỳ) bực tức khi nêu rõ những gì được biết đến
như “ba không” của Hoa Kỳ (không ủng hộ Đài Loan độc lập, không ủng hộ
“một Trung Quốc, một Đài Loan” hay “hai Trung Quốc”, và không ủng hộ
Đài Loan làm thành viên trong các tổ chức quốc tế mà chỉ có các quốc gia
mới có thể tham gia).
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc miêu tả cuộc khủng hoảng
1995-1996 như là một thắng lợi lớn của Trung Quốc, nhưng các chuyên gia
Đại lục thừa nhận riêng tư rằng nó đã phản tác dụng đối với Đài Loan. Đài
Loan thoát ra từ cuộc khủng hoảng trở nên yên tâm về sự bảo vệ của nước
Mỹ hơn là bị o ép bởi hành động của quân đội Đại lục. Đe dọa của Đại lục
đã gây sốc cho nền kinh tế Đài Loan, nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào
thương mại quốc tế - thị trường chứng khoán suy giảm và các doanh nhân
nước ngoài hủy bỏ việc đi lại. Nó có thể làm Quốc dân Đảng mất phiếu
trong cuộc bầu cử lập pháp tháng Mười hai năm 1995. Tuy nhiên, sự tức
giận chính đáng của cử tri Đài Loan đối với Bắc Kinh sau vụ thử tên lửa
tháng Ba năm 1996 đã giúp Lý Đăng Huy giành thắng lợi trong cuộc bầu cử