rằng Trung Quốc không đáng được hưởng sự quý trọng của cộng đồng quốc
tế như chính quyền của Hitler và Đảng Quốc xã đã giành được khi là chủ
nhà Olympic năm 1936
. Các tổ chức của Hoa Kỳ như Tổ chức Giám sát
Nhân quyền đã tiến hành những cuộc vận động mạnh mẽ để thuyết phục
IOC gạt tranh cử của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn tự
tin rằng mình đã có đủ sự ủng hộ từ IOC (chủ tịch IOC đã công khai tuyên
bố rằng vấn đề nhân quyền không ảnh hưởng đến việc ra quyết định), vì vậy
không để ý nhiều đến những hành động phản đối từ Quốc hội Hoa Kỳ. Lòng
tự tin thái quá và sự mù mờ đối với những bất lợi chính trị của Trung Quốc
được thể hiện trong việc lựa chọn Trần Hy Đồng, chủ tịch thành phố Bắc
Kinh, một người theo trường phái cứng rắn và đóng vai trò chủ chốt trong
vụ đàn áp bạo lực tại Thiên An Môn, vào vị trí lãnh đạo chiến dịch vận động
đăng cai Olympic.
Khi IOC từ chối Bắc Kinh và nhường quyền đăng cai cho Sydney với hai
lá phiếu, chính phủ Trung Quốc và người dân đã rất sốc và tức giận. Họ đổ
lỗi cho người Mỹ đã vận động chống Trung Quốc đăng cai. (Thực tế, theo
điều tra sau đó, Úc đã hối lộ hai thành viên IOC.) Giang Trạch Dân, vẫn
luôn cố gắng xây dựng hình ảnh của mình là người kế nhiệm Đặng Tiểu
Bình, đã bị mất mặt.
Rút kinh nghiệm từ sự việc bị IOC từ chối, chính phủ Trung Quốc không
vận động đăng cai Olympic 2004. Khi Trung Quốc giành được quyền đăng
cai Olympic 2008 với tỉ lệ số phiếu bầu lớn, nước này đã ăn mừng bằng một
cuộc mít tinh khổng lồ ở Bắc Kinh, được truyền hình trên toàn quốc, và kết
thúc trong những màn pháo hoa rực rỡ. Tôi đã ở trong thành phố chứng kiến
niềm hân hoan ấy. Mặc dù lễ ăn mừng do nhà nước tổ chức, nhưng niềm tự
hào và cảm giác “đã rửa được hận” của người dân là thật. Tuy vậy, việc bị
IOC từ chối năm 2000 đã để lại một di chứng là nỗi oán giận lâu dài với Hoa
Kỳ vì đã cố cướp đi ánh hào quang Olympic khỏi nước này.