Tranh cử đăng cai Olympic
Có cách nào để vực dậy lòng tự hào dân tộc và danh tiếng rộng rãi của
Đảng Cộng sản sau sự kiện Thiên An Môn tốt hơn việc đưa Olympic về
Trung Quốc? Sự phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản bắt đầu khi nước
này đăng cai Olympic năm 1964 và sự trỗi dậy của Hàn Quốc như một
cường quốc kinh tế cũng là di sản bắt nguồn từ sau Thế vận hội Seoul năm
1988. Và giờ đến lượt Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu vận động đăng cai Đại hội Thể thao Olympic 2000
trong Á vận hội 1990 tại Bắc Kinh. Tại lễ bế mạc Á vận hội, một băng rôn
khổng lồ xuất hiện tại khu vực khán đài ghi: “Với thành công của Á vận hội,
chúng tôi mong đợi được đăng cai Đại hội Thể thao Olympic.” Trong ba
năm tiếp theo, những bảng biển với các khẩu hiệu như “Một nước Trung
Quốc cởi mở hơn đón chờ Đại hội Thể thao Olympic 2000” xuất hiện khắp
mọi nơi. Chính phủ tổ chức những cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của
hàng ngàn người tại các di tích lịch sử như Thiên Đàn và Vạn Lý Trường
Thành để khuấy động dân chúng và biểu thị cho ủy ban Olympic Quốc tế
thấy sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng Trung Quốc đối với cuộc vận động
đăng cai. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đem uy tín của mình ra đặt cược
trong công cuộc vận động này. Mỗi khi tôi lái xe từ sân bay vào Bắc Kinh và
nhìn thấy các biển hiệu về Olympic 2000, tôi lo lắng: “Nếu Trung Quốc vận
động đăng cai không thành công thì sao?”
Một tháng trước khi ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ra quyết định, Hạ
viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật phản đối cuộc vận động đăng cai của
Trung Quốc. Nghị sĩ Tom Lantos, người bảo trợ cho dự luật này nói rằng:
“Những vi phạm nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần
của Thế vận hội và vì vậy Bắc Kinh không đủ tiêu chuẩn để được xem xét
đăng cai Thế vận hội.” Nghị sĩ Lantos, người sống sót duy nhất trong cuộc
tàn sát người Do Thái thời Hitler đang làm việc tại Quốc hội Hoa Kỳ, nói