tới thăm Trung Quốc nhiều lần hơn so với người tiền nhiệm và thái độ của
ông với Trung Quốc đã thực tế hơn”. Tờ Nhân dân Nhật báo không đưa tin
trên bản tiếng Trung mà chỉ đưa tin trên bản tiếng Anh về bài diễn văn của
Bush tại Nhật Bản trước khi tới Bắc Kinh, trong đó đã chỉ trích Trung Quốc
- cả nội dung và địa điểm đọc bài diễn văn này đều có thể khiến độc giả
Trung Quốc tức giận.
Trước đây, báo chí Trung Quốc từng nhảy bổ vào mổ xẻ mọi từ ngữ khó
nghe của Washington và chỉ trích thậm tệ thì sau năm 1999, họ lại không hề
phản ứng gì. Lãnh đạo Đảng Cộng sản bắt đầu giả điếc, hy vọng đám dân
chúng bất kham cũng không nghe thấy gì. Để bảo vệ quan hệ với Hoa Kỳ,
họ đã yêu cầu các báo và trang mạng đưa tin giảm nhẹ về những hành động
của Hoa Kỳ có thể làm mất lòng dư luận. Chẳng hạn năm 2002 khi các kỹ sư
người Trung Quốc phát hiện thiết bị nghe trộm trên chiếc Boeing 767 dự
kiến sẽ là chuyên cơ Air Force One
của Giang Trạch Dân - những thiết bị
này có thể đã được gắn vào khi máy bay được sửa chữa tại Texas - chính
phủ đã không cho báo chí đưa tin và yêu cầu quản lý các website dỡ bỏ mọi
bình luận liên quan đến sự việc. Những lỗi đáng xấu hổ trong lễ nghênh đón
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Nhà Trắng năm 2006 đều không được đưa lên
truyền hình và báo chí Trung Quốc, như việc phiên dịch đã dịch nhầm tên
nước Trung Quốc thành Trung Hoa Dân quốc, tức là tên chính thức của Đài
Loan, và việc một phóng viên báo Pháp Luân Công đã hét vào mặt Hồ Cẩm
Đào.
Tuy nhiên, hiện nay công chúng có nhiều thông tin hơn từ truyền thông
thương mại và từ Internet hơn là giới báo chí chính thống, biện pháp thay
đổi cách đưa tin về Hoa Kỳ mà Đảng chỉ thị không còn phát huy tác dụng
như trước đây. Một đại tá quân đội Trung Quốc nhận xét: “Trong những năm
1970, chúng ta có thể bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ ngay cả khi Hoa
Kỳ rất hằn học với chúng ta, bởi vì chúng ta có thể giáo dục dư luận. Nhưng
giờ đây chúng ta không thể. Quá muộn rồi.”