Đối với Hồ Cẩm Đào và cộng sự, biện pháp tốt nhất để thoát khỏi tình
trạng tiến thoái lưỡng nan này ở trong nước và giảm bớt ỷ đồ đòi độc lập của
Đài Loan là gạt sang một bên những điều kiện tiên quyết và tiến hành đàm
phán trực tiếp với chính phủ Đài Loan. Trước đây đã từng có tiền lệ này.
Năm 1997, Trung Quốc tạm gác chính sách “một Trung Quốc” và mời nhà
đàm phán về vấn đề eo biển của Đài Loan bay sang Trung Quốc. Tuy nhiên
đó không phải là bước đi dễ dàng cho Hồ Cẩm Đào vào lúc này. Nhiều năm
nay lãnh đạo Trung Quốc đã từ chối đối thoại trực tiếp với Đài Loan cho đến
khi chính quyền Đài Loan chấp nhận từ ngữ kỳ diệu “một Trung Quốc”. Do
đó Hồ Cẩm Đào sẽ bị các đồng sự, cũng như thành viên nhóm cầm quyền và
quân đội chỉ trích nếu ông gác nguyên tắc “một Trung Quốc” sang bên và
tạo lợi thế cho tổng thống Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc trông đợi ứng
viên nhiều tiềm năng của Quốc dân Đảng, Thị trưởng Đài Bắc Mã Anh Cửu
sẽ trúng cử tổng thống Đài Loan năm 2008 và công nhận nguyên tắc “một
Trung Quốc”. Nhưng phải chăng sẽ tốt hơn nếu ngay bây giờ lãnh đạo Trung
Quốc chịu thỏa hiệp và chấp nhận áp lực nội bộ. Như vậy họ sẽ không phải
chịu rủi ro đánh mất mọi thứ - tăng trưởng kinh tế, ổn định nội bộ, quan hệ
với Hoa Kỳ và Olympic 2008 - nếu tổng thống đương nhiệm của Đài Loan
có khơi dậy một cuộc khủng hoảng lớn vào thời điểm trước năm 2008, hoặc
nếu Mã Anh Cửu không hành xử như Trung Quốc mong đợi. Thêm vào đó,
Hoa Kỳ và cả thế giới sẽ đánh giá cao năng lực lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào
và vận động Đài Loan đền đáp bằng những nhượng bộ tương xứng.
Lãnh đạo Trung Quốc hẳn cũng sẽ ngạc nhiên trước phản ứng của công
chúng đối với sự thay đổi đầy dũng cảm của họ khi tạm gác đòi hỏi công
nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”. Mặc dù một số lãnh đạo, phe quân sự
và giới trẻ nhiệt huyết sẽ phản đối, nhưng số đông trầm lặng sẽ hoan nghênh
việc nối lại đàm phán Trung-Đài với quan điểm tích cực về sự thay đổi rằng
nguy cơ chiến tranh đã bị đẩy lùi và hai bên đang đạt được những tiến bộ.
Đa số quần chúng quan tâm nhiều hơn việc không để mất Đài Loan chứ
không phải quy chế cho vùng lãnh thổ này sẽ như thế nào. Khi không bị
ràng buộc bởi những giả định hoang tưởng, lãnh đạo Trung Quốc sẽ phát