nhưng đại bộ phận đã đâm chồi, thay lá, nhìn xa đã thấy có không ít màu
xanh, có thể dự đoán vài ba năm nữa sẽ có một khu rừng rợp bóng cây,
thường ngày có thể dành cho dân làng hóng mát, ngày tết Thanh minh để
cho những người con đi xa về quê tảo mộ tránh được nỗi khổ của sự nóng
bức.
Tôi vẫn thường tưởng tượng rằng, chỉ cần chăm nom chu đáo, thì mấy
chục năm sau, đây sẽ là một khu vườn cổ thụ vô cùng quý giá.
Cây ô tâm thạch giống, mỗi cây chỉ có 20 Đài tệ, lại dễ gây giống, sức
sống dồi dào, rất dễ trồng, thế nhưng nhìn khắp mảnh đất Đài Loan lại rất ít
thấy, trong khi đó đâu đâu cũng thấy cây hoa sữa, thậm chí thành phố Đài
Trung còn coi nó là loài cây của thành phố, dùng từ “tràn lan” để hình dung
thì cũng không có gì là quá. Tôi không có ý và cũng không nên chê bất kỳ
một loài cây nào, nhưng thực sự hoa của cây hoa sữa rất hắc, dễ gây dị ứng,
chim chóc không bao giờ đậu, cành giòn mà dễ gãy, thân không làm gỗ
được, rễ mọc tứ tung rất dễ làm hỏng mặt đường, chân tường, nghe nói ưu
điểm duy nhất là cây lớn rất nhanh, rất nhanh thấy “thành quả”, nó phù hợp
với thói tục thời thượng của xã hội Đài Loan: việc gì cũng muốn nhanh, chỉ
quan tâm đến hiện tại, không cần biết đến tương lai, chỉ nhìn thấy cái lợi
trước mắt. Bởi thế mới gây ra nhiều di hại mà ngày nay phải mất rất nhiều
thời gian và tiền bạc để xử lý.
Nói một cách tương đối, “khuyết điểm” duy nhất mà ô tâm thạch bị
chê là chậm lớn. Đã vậy thì, khi trồng cây, phải có suy nghĩ là “đời trước
trồng cây, đời sau hóng mát”. Ô tâm thạch, tiếng Đài gọi là “hắc tâm
thạch”, cùng âm cùng nghĩa với chữ “hắc” trong “hắc bản thụ” (1). Nhưng
“hắc” này và “hắc” kia lại khác xa nhau một trời một vực. Tôi thường cảm
khái sâu sắc rằng, nếu năm xưa thay vì trồng “hắc bản thụ” mà trồng nhiều
“hắc tâm thạch”, thì khung cảnh, môi trường ngày nay đã khác biết bao
nhiêu.