Việc chỉnh sửa đất hoàn thành, giờ đến lượt trồng cây. Ngay từ khoảng
tháng 9, Tạ sư phụ đã dẫn tốp thợ đến vườn nhà tôi, tiến hành trước khâu
đào gốc đóng bầu, nuôi rễ cho hai ba trăm gốc ô tâm thạch định di dời,
khoảng ba bốn tháng, rễ con sẽ mọc tua tủa, vừa đúng dịp cuối năm đầu
xuân, đón những cơn mưa phùn lất phất, rất thích hợp cho việc di dời.
Việc dời cây phải cắt cành tỉa lá, Tạ sư phụ chở đến một chiếc “máy
nghiền gỗ”, theo miêu tả của nhà báo địa phương Nhan Hoằng Tuấn: làng
Khê Châu huyện Chương Hóa gần đây xuất hiện con “quái thú ăn củi”, hóa
ra đây là chiếc máy nghiền gỗ tự động, thân cây cành cây sau khi cưa chặt
sẽ được nghiền thành bột ngay tại chỗ. Chiếc máy nghiền gỗ này kích cỡ
chừng một chiếc xe khách nhỏ, nặng tới 2 tấn, bề ngoài trông như một con
cá sấu khổng lồ đang há to miệng, công nhân ném cành cây vào cái miệng
rộng hoác của nó, trong bụng phát ra những tiếng ầm ầm, từng mảng vụn
gỗ phun ra từ chiếc đuôi đang vểnh ngược lên rơi xuống đất, chất dần thành
đống. Đống mụn gỗ này ủ khoảng 4 tháng, sẽ trở thành loại phân bón hảo
hạng, có thể cải tạo chất đất, là món hàng đắt khách mà người trồng chậu
cảnh, nông trường hữu cơ, các vườn ươm rau quả ưa chuộng.
Theo lời Tạ sư phụ, chiếc máy này giá khoảng 2 triệu Đài tệ, trong
bụng máy có cả một bộ động cơ ô tô, dao cắt siêu tốc, loại máy nghiền gỗ
như thế này khá phổ biến ở Nhật Bản.
Nhìn lại Đài Loan chúng ta, phần lớn thân cây, cành cây chặt xuống
sau khi phơi khô đều đem đốt. Mỗi lần giông bão qua đi hoặc những đợt
chặt tỉa cây ven đường, nhìn thấy từng đoàn xe chở cành cây thân cây đi, đa
phần là đem đốt, tài nguyên không thể thu hồi, lãng phí vô ích, lại gây ô
nhiễm không khí nặng nề, thật là đáng tiếc.
Kỳ thực, đội vệ sinh môi trường chính quyền các hương trấn nên lên
kế hoạch, “tranh thủ” mấy triệu Đài tệ kinh phí, mua máy nghiền gỗ di
động, đồng thời bố trí nhân viên chuyên trách phụ trách vận hành máy, chỉ
xem thái độ coi trọng hay không coi trọng mà thôi.