Trong thời gian thi công khoảng hai ba tháng, Lý Đôn Diệu mấy lần
đích thân đến đôn đốc, cho ý kiến. Sự cẩn trọng đối với từng chi tiết công
trình, rồi những yêu cầu tinh tế về thiết kế mỹ thuật của chủ tịch Lý, đã
giúp tôi hiểu thêm phong cách kinh doanh của anh, có câu nói rằng: “Trị
nước lớn cũng như nấu món ăn nhỏ”, chủ tịch Lý dù chỉ là tài trợ cho một
hoạt động công ích xã hội của một địa phương nhỏ, cũng không hề lơ là với
bất kỳ một khâu nào, đúng như nhân viên của anh từng nói khi hình dung
về sếp họ: “Quản rất rộng, quản rất tinh”. Những người như giám đốc Từ,
trưởng phòng Hoàng … của Quỹ BenQ càng đến đây nhiều hơn. Tôi cũng
nhân tiện ở gần nên ngày nào cũng tranh thủ sang xem tiến độ và bàn bạc
với Tạ sư phụ.
Tạ Tòng Địa, quả là con người ứng với cái tên, quan niệm về nghề làm
vườn của anh đến từ quan niệm tự nhiên truyền thống của người dân, hoàn
toàn tuân theo luân lý đất đai. Anh yêu cầu bản thân rất cao, luôn nói rằng:
“Không thể nào mà chỉ biết kiếm tiền mang đi, còn sau lưng để người ta
chửi”. Tôi học được từ anh rất nhiều.
(4)
Những người bạn từ xa tới thăm khu vườn và cả bà con trong làng
chúng tôi, ai nấy đều khen: làm như vậy là đúng. Mô hình này thực sự đáng
được nhân rộng, đáng để chính quyền các huyện thị, các hương trấn học
hỏi.
Việc rừng hóa nghĩa trang thật nhiều ý nghĩa!
Không những biến đất hoang thành vườn, biến bãi tha ma hoang vu,
lạnh lẽo, thậm chí bẩn thỉu thành một địa chỉ hấp dẫn rợp bóng cây xanh,
có thể dạo mát, nghỉ ngơi. Mong sao mỗi một hương trấn, chưa cần đến cấp
nhỏ hơn, có thể xây dựng những công viên xanh trồng thật nhiều cây, yên
tĩnh mát mẻ, để nâng cao chất lượng môi trường sống, đồng thời góp sức
giảm bớt hiện tượng nóng lên của trái đất.