Với kinh nghiệm khu nghĩa trang rừng mà nghĩa trang thứ 3 làng Khê
Châu đã hoàn thành, chính quyền các huyện thị, các hương trấn nếu hướng
theo mục tiêu này mà quy hoạch, thì không có gì là khó khăn. Vì chỉ có các
chi phí làm đất, lắp đường nước, trồng cây, không cần công trình xây dựng
nào, nên không mất nhiều kinh phí, mỗi nghĩa trang chỉ cần mấy triệu Đài
tệ là đủ.
Một đợt bắn pháo hoa, động tí là tiêu tốn hàng triệu, hàng chục triệu
Đài tệ, phút chốc tan tành mây khói; còn một nghĩa trang rừng, lại là mãi
mãi, ý nghĩa vô cùng.
Việc quản lý nghĩa trang, vốn là trách nhiệm của chính quyền, thế
nhưng cơ quan hành chính lại để mặc cho khu vực mình quản lý rơi vào
tình trạng bẩn thỉu, lộn xộn, bao năm không cải thiện, còn phải nhờ vào
lòng hảo tâm của doanh nghiệp, sự ủng hộ mang tính tự phát, thử hỏi vai
trò, chức năng của chính quyền ở đâu?
Thực ra, chính quyền làng Khê Châu đã từng nộp bản “Kế hoạch rừng
hóa nghĩa trang” lên Sở Xây dựng xin kinh phí 4 triệu Đài tệ, người của Sở
Xây dựng cũng đã về khảo sát thực địa, bày tỏ sự đồng thuận, nhưng bảo
phải đợi đến khi nào nghĩa trang “trống hoàn toàn”, đảm bảo không có
tranh chấp, thì mới phê duyệt. Vậy thì phải đợi đến năm nào tháng nào
đây?
Mỗi nghĩa trang cần tiến hành cải tạo, có thể sẽ vấp phải những vấn đề
khác nhau cần giải quyết, nhưng với kinh nghiệm của chúng tôi, một số ít
phần mộ cũ tạm thời giữ lại, vừa không cản trở việc san lấp mặt bằng, vừa
không xảy ra tranh chấp, và cũng khiến họ dễ phối hợp hơn, nhanh chóng
dời đi hơn.
Mong rằng toàn bộ đất nghĩa trang của cả miền đất Đài Loan sẽ biến
hoang lạnh thành bóng mát, được trồng toàn giống cây nguyên sinh của Đài
Loan, trở thành vườn cây xanh bao la vạn khoảnh.