Dẫu cách xa, Thiêm vẫn ngày đêm bện kết mối dây tâm đồng với ông
nội. Ký ức Thiêm vằng vặc hình tượng ông được phóng chiếu với những
kích cỡ phi thường, nơi hình thành nhân cách Thiêm.
Cuối năm thứ nhất xa Thiêm, ông nội biên thư gửi lên cho cháu, báo
tin: Ông vừa họp các bô lão từ bẩy mươi trở lên trong toàn xã lập Hội và
phát động một cuộc thi sống lâu và sống có ích. Mở đầu, các cụ thi ăn. Ông
cao tuổi nhất nhưng giật giải quán quân. Một mình ông, bữa ấy, ăn hết ba
cân mỡ sống kèm chục cái bánh đa nướng. Ăn xong, cũng một mình ông
đào năm chục cái hố trồng bạch đàn liền trong hai ngày. Nhân sinh bách
tuế vi kỳ. Ông sẽ sống đủ một trăm tuổi để rồi theo bước đi của cháu đó,
Thiêm ơi!
Năm thứ mười ở La Pan Tẩn, Thiêm lập được kỳ tích đáng ghi vào gia
phả dòng họ. Trong khi hai mươi tám xã toàn huyện Xin Ma Chải không
nơi nào duy trì nổi một lớp vỡ lòng, La Pan Tẩn đã hoàn chỉnh một trường
cấp một đủ bốn lớp, riêng lớp bốn có mười hai em học sinh người Mèo.
Trường có tám mươi học sinh. Ký túc xá đủ chỗ cho bốn mươi em ăn nghỉ.
Toàn bộ người ở độ tuổi đã biết đọc biết viết. Cán bộ xã, trừ những người
quá u tối, đều đã có trình độ lớp ba bổ túc văn hoá. Cây trên đất cằn đã ra
hoa. Nền móng của toà lâu đài văn hoá đã đặt được những viên đá tảng.
Trong trường kỳ lịch sử dân tộc mình, chưa bao giờ La Pan Tẩn có được
cảnh tượng nọ. Ông Trần Đổng trưởng phòng vẫn chưa lên thăm phong trào
giáo dục La Pan Tẩn vì đang ruồng rẫy vợ và bẫn bíu chuyện tư tình với
một cô ở cửa hàng lương thực. Nghe phong thanh thành tựu giáo dục La
Pan Tẩn, ông lè nhè: “Mẹ nó chứ, nó có phép thần à!” Thiêm viết thư kể
mọi chuyện cho ông nội biết, ông nội viết trả lời: “Thành người rồi đi dạy
lại người, đó là lẽ sống đó, cháu!”
Năm thứ mười hai sống ở La Pan Tẩn, Thiêm viết thư cho ông: Ông
ơi, cháu đã học được, viết được chữ Mèo. Bây giờ cùng với tiếng Việt, chữ
Quốc ngữ, cháu còn dạy cả chữ Mèo cho đồng bào. Sắp tới, cháu còn đưa
ba em học sinh Mèo ở đây học hết lớp ba ra tỉnh học trường thiếu nhi dân
tộc ông ạ. Người Mèo ở đây, theo hố pẩu gọi cháu là dở sấu, tức ông tiên,