thằng biệt kích. Động một tý là nó thét: Bỏ tù! Bỏ tù! Nó bắt mọi người làm
con ngựa cho nó cưỡi để đi nhanh đến đích là như thế!
Ngưng lời đột ngột, ông già như lên cơn phẫn khích, đứng phắt dậy,
mắt nở tròn trừng trừng nhìn Thiêm:
- Thầy đừng bênh nó. Trẻ con nó bảo: ông phái viên đọc công văn, thư
từ phải mấp máy môi, nói thì díu câu, dính chữ. Ông ấy là loại người cơm
ăn cả rá, cá ăn cả vẩy, rượu uống cả vò, chó ăn cả con. Bộ tộc tôi không
ngu, không chịu để kẻ có quyền cưỡng lý đâu. Tôi chỉ lo rồi đây không giữ
được yên bình vì bao kẻ xấu nó đang ghét ông, ghét lây cả cách mạng, nó
đang ngấp nghé chờ thời.
Trận mưa đá tàn hại xẩy ra ở La Pan Tẩn lúc ông Quốc Thanh đang
họp tổng kết bước hai cuộc vận động sản xuất ở huyện. Trong cuộc họp,
ông Quốc Thanh được phó bí thư Đường Xuân Ân chỉ định lên báo cáo
điển hình. Báo cáo của ông phái viên thoạt đầu mang cái tựa đề dài dằng
dặc: La Pan Tẩn tràn đầy khí thế tiến công cách mạng, vươn lên giàu có,
xây dựng chủ nghĩa xã hội từ ngày có phái viên. Sau, ông phó bí thư góp ý
nên bỏ bớt năm chữ: từ ngày có phái viên và lộn ngược lại trật tự cụm từ
cách mạng tiến công, vì “nói như cũ thì có nghĩa là tiến công vào cách
mạng à?”
Việc thành lập tổ chức chính trị, xác lập quyền lãnh đạo của giai cấp
thông qua nhân vật phái viên, công cuộc đào con mương dài bốn cây số
(không cần biết hiệu quả) đó là hai cú hích lịch sử, chữ dùng của ông Ân -
được ông Quốc Thanh kể lể dài dòng suốt cả một buổi sáng. Vì ông vừa
trần thuật vừa có ý rút ra bài học kinh nghiệm. Chẳng hạn, ông nói: Lúc
đầu tôi định tổ chức kết nạp cho ba đồng chí Lở - Sùng - Chẩn vào đêm
rằm tháng bảy, sau nghiên cứu kỹ phong tục tập quán dân tộc, thấy tết trung
nguyên là tết lớn của đồng bào, nên quyết định cho lui buổi lễ vào tuần sau.
Ông Quốc Thanh báo cáo xong, buổi chiều đến lượt ông Đường Xuân
Ân phó bí thư lên diễn đài. Ông Ân hơn hẳn ông Quốc Thanh về mặt lợi
khẩu. Tuy cùng thất học, nhưng chịu khó và thông minh hơn nên ông Ân đã
có bằng lớp 7 bổ túc văn hoá. Ông Ân đầu nghênh, cổ vẹo, nói giọng rất