Bảy ngày sau, ông Quốc Thanh mới lên thôn trung tâm. Vẫn là giầy
da, mũ cát két dạ cũ, nhưng bây giờ trông ông lực lưỡng hơn, ở cái thế
thượng phong rõ rệt hơn, vì ông có thêm cái áo da dài thượt lượt, với cái
thắt lưng thòng lòng ở lưng áo, to bằng cái bơi chèo.
Vừa thấy bóng Thiêm ở trước trường, ông phái viên đã khoặm mặt,
chèm chẹp miệng: “Anh Thiêm, anh lên trụ sở, tôi có việc cần gặp anh.”
Không một lời rào đón, đưa đẩy, vừa thấy Thiêm bước vào phòng ông đã
nhìn anh chằng chằng, nhe nhe răng, rồi bất thình lình rút từ túi áo da ra
một tờ giấy gấp tư, đập chạt xuống mặt bàn:
- Cái gì đây?
Trên mặt bàn là một tờ giấy có hình vẽ. Hình vẽ một con ngựa mang
bộ mặt người, trên lưng có một người cưỡi. Bên trái con ngựa là hình một
khẩu súng kíp đang nhả một đường đạn vào người đang ở trên mình ngựa.
Lề trang giấy có một dòng chữ xiêu vẹo: “Quốc Thanh, sức mày thồ được
mấy viên đạn?”
- Nét vẽ nét chữ này là của thằng nào con nào hay là của chính anh
đấy anh Thiêm, hừ thằng nào con nào vẽ và cả gan dán bức tranh này ở
cạnh cửa buồng cô giáo Thúy, anh Thiêm anh phải trả lời tôi ngay!
Không để Thiêm kịp hỏi, ông đã nghiến răng chèo chẹo và liên tiếp hạ
nắm đấm xuống mặt cái bàn, tiếp:
- Tôi là tôi không lạ gì bản chất anh cả, hoặc là anh xúi bẩy hoặc là
anh ném đá giấu tay, ngấm ngầm nối giáo cho giặc, hừ càng có văn hoá
càng phản động có đúng không, anh đừng tưởng có thể qua mặt được tôi,
tôi biết hết rồi, biết cả cái thằng nó nhạo báng tôi hôm tôi nói chuyện ở
công trường thuỷ lợi rằng là nước ta giàu đẹp vì là có nhiều cỏ gianh và con
chó để làm thịt, nướng chả, nấu thắng cố kia!
Thiêm buồn hơn là giận ông phái viên.
Hoá ra ông chỉ nghĩ đến ông, chỉ tức tối vì cá nhân bị động chạm. Ông
chẳng hề quan tâm, lo lắng về hậu quả của trận mưa đá, chẳng biết đến cái
lo lắng, cái đói khổ, cái vận bĩ của đám chúng sinh. Trong giây lát, như có