Lẳng lặng, Thiêm quàng quai ba lô lên vai. Mười lăm năm qua, vẫn là
cái ba lô ấy trong đựng hai bộ quần áo khâu tay, một cái khăn quàng sợi,
hai bộ lót, một cái áo bông xanh được cấp phát cùng với chiếc chăn mỏng
và tấm màn đơn. Trên vai Thiêm còn cái túi vải đựng sách, nhưng rỗng
không vì sách đã tặng cả cho học trò.
Hố pẩu giữ tay Thiêm, rưng rưng:
- Thầy đi đâu bây giờ?
Hai mắt mưng mưng, Thiêm nhìn ông già:
- Hố pẩu có nhớ hôm tôi mới về đây, tôi nói: tôi sẽ đi khỏi nơi này, nếu
như… Giờ, là lúc rồi. Giờ trong óc tôi không còn có cái kế hoạch xây dựng
toà lâu đài nào nữa.
- Thầy nói dối. Tôi biết lòng thầy vẫn luyến nhớ.
- Có thể. Nhưng mà không khác được.
Ông già ôm mặt, ngửa lên trời, nức nở:
- Đù a. Tim gan tôi tan nát hết rồi!
Thiêm cắn môi, dịu giọng:
- Hố pẩu à! Tôi không đi không được. Ông Đổng viết giấy bắt tôi về.
Ông ấy sẽ chửi tôi. Mọi người có thể sẽ trách cứ, mắng mỏ tôi, sẽ hiểu sai
lệch tôi. Không sao! Tôi muốn nói mấy câu cuối cùng với hố pẩu: Một dân
tộc cũng như một con người, phải có văn hoá, phải được học hành. Cũng
cần phải nghiêm khắc với bản thân, không được tự nuông nịnh mình.
- Thầy ơi! – Ông già cao giọng, nấc từng hồi. Những cái thầy làm ra
không chỉ quý vì nó vừa có hình sắc vừa có tinh tướng, lại vừa có tình.
Thầy là thanh âm trên trời cao, là sắc đẹp trong dung nhan, là hình ảnh
trong gương soi, là ánh trăng dưới đáy nước. Thầy là tiên, là thánh, là cuốn
sách không cạn lời. Thầy đi, giờ bộ tộc tôi biết cậy nhờ ai!
Thiêm đi qua bãi đá.
Quay lại nhìn ngôi trường, nhìn xuống thôn Bản Ngò, rồi đặt chân
theo đường dốc. Qua miếu Quan âm, nơi ngày nào Seo Mùa dong con ngựa