bạch đã đóng trúc trên nạng thồ đến trao cho anh để anh đem ra chợ bán lấy
tiền về xây dựng trường, đóng bàn ghế. Thiêm dừng lại như tìm kiếm cái
gì, như tự hỏi lời Seo Mùa còn vẳng đâu đây? Rồi vừa đi vừa ngơ ngẩn
nhìn cảnh vật hai bên đường. Như tự hỏi: Sao ta chỉ có một mình? Chẳng lẽ
trước nay ta chỉ có một mình? Như tự hỏi: đâu là chỗ ngã vập mặt đánh
văng chiếc vành xe ra xa? Chỗ nào có cây chi khẩu pấu cho quả ngọt. Đoạn
nào vừa lê vừa kéo chiếc vành xe? Ngày ấy, đã bao năm qua mà trông như
mới là hôm qua!
Nghe lao xao như tiếng đàn chim trời bay ngang qua đỉnh núi đi tránh
rét buổi sáng thần tiên nào, Thiêm quay đầu lại, ngước mắt. Trên cái giông
đá đầu thôn Bãi Đá, tạc vào nền trời tang tảng sáng, bức phù điêu mấy chục
con người nhấp nhô tay giơ cao vẫy vẫy:
- Mổng cà! Chi tu sa! Đi nhé! Đừng đứt lòng. Thầy Thiêm ơi, mãi mãi
La Pan Tẩn nhớ thương người.
Ôi, khúc hoà âm luyến láy đứt ruột kẻ ở người đi!
Thiêm về phòng giáo dục huyện. Một tuần liền, huyện đội công an và
ông Trần Đổng đay đi đay lại câu khảo vấn: “Vì sao bọn khởi loạn lại thả
anh, trong khi chúng lùng bắt ráo riết đồng chí Quốc Thanh và cô giáo
Thúy?” Bản kiểm điểm có sao nói vậy viết đi viết lại bẩy lần của Thiêm
được bí thư Đường Xuân Ân, Ân đã lên chức, xem qua và nhận xét như
sau: “Ngoan cố lắm! Bản chất giai cấp không thay đổi. Trả về Ty giáo
dục!”
Thiêm về Ty giáo dục, ở trong danh sách giáo viên dôi dư. Ba tháng
sau, bộ đội tỉnh dẹp xong cuộc phiến loạn ở La Pan Tẩn, biên bản quy tội
Thiêm cũng hoàn thành. Ông Quốc Thanh, ông Trần Đổng, cô giáo Thúy
nhất loạt khai: Thiêm nếu không là kẻ tiếp tay thì cũng là người phải nghi
vấn trong vụ phản loạn này.
Cuối năm ấy ở Ty giáo dục có lãnh đạo mới. May mắn ông trưởng ty
này quen biết bố Thiêm. Ông bảo Thiêm: “Đâu thì cũng vậy. Nhưng đi vẫn