Chương 3
CHIẾC KẺNG SẮT
Giàng Dìn Tếnh cao một mét bẩy, bằng Thiêm, cùng tuổi, nhưng vập
vạp, to con hơn. Mặt choắt, mồm nhọn, mắt xếch xác hay nhìn trộm. Mới
mười bốn tuổi, Tếnh đã nhận súng của Pháp thả dù xuống, đi làm lính phỉ.
Đó là năm 1954. Kéo tay Thiêm theo mình tới cây cột cái ở giữa nhà, Tếnh
chỉ vết đạn sượt ở thân cột, trừng mắt nhìn Thiêm: “Này, có một thằng ở
Bản Ngò đi bẫy chim chiung, rẽ vào nhà tao, định chim con Seo Mùa vợ
tao, tao bắn trượt nó đấy!” Thiêm vằng tay, bỏ đi. Nó níu anh lại, lên mặt
răn đe, khiêu khích: “Ý mày thế nào, thầy giáo!” Thiêm nhìn thẳng mặt nó,
nghiêm nghị: “Tếnh, nếu người đàn bà không yêu mình thì mình phải biết
xấu hổ.” Nó thót ngực, rên một tiếng kinh hãi rất khó hiểu, bỏ ra sân. Đó là
ngày đầu tiên Thiêm về La Pan Tẩn. Ba ngày sau, Thiêm họp cha mẹ học
sinh thôn Bãi Đá, nói: “Ăn uống để nuôi khí huyết. Học hỏi để nuôi trí não.
Tôi là thầy giáo, tôi xin lo cả hai việc cho các em, chỉ xin mỗi người giúp
một tay.” Thiêm xin một mảnh ruộng lớn ở gần trường, chiều ấy mượn trâu
nhà hố pẩu. Mắc ách vào vai con trâu sừng quặp, Thiêm quát: “Vắt!” Con
trâu cứ đứng nghênh cái mõm bù xù lông. Cô Seo Mùa vội chạy xuống cầm
sợi thừng xỏ mũi con trâu. Bà con đứng xem cười ồ. Con trâu không biết
tiếng Kinh. Thiêm gãi tai, cười theo mọi người, rồi nhổ bọt vào bàn tay
cầm cầy. Quả nhiên giật dây, kêu “mổng” con trâu lập tức dún chân, nhoai
cổ bước. A! Nó chỉ biết tiếng Mèo. Lưỡi cầy vênh vỏ đỗ quật đất cuồn
cuộn từng dòng nổi đều như sóng lượn. Người thôn Bãi Đá đứng xanh đỏ
tím vàng hoa cả mắt trên bờ, nắc nỏm khen thầy giáo người miền xuôi
khiến trâu, lựa đường cầy thật khéo. Thiêm hớn hở, khi đi bên trái, lúc nhẩy
sang phải, mắt đoán định, tay máy giật mũi trâu, tay điều khiển mũi cầy
tránh đá ngầm, nghiêng ngả, sâu nông tuỳ lúc, tài chẳng kém thợ cày Mèo.
Còn hôm nay là ngày phiên chợ huyện Xin Ma Chải, cách bẩy ngày
họp một lần. Trên một quả đồi vầu thưa, cả ngàn người thuộc tám xã lân