Học trò bỏ học, thầy tìm đến tận nhà nó bảo ban. Dốc cao đường trơn, thầy
chống gậy đi. Gặp suối to, thầy bơi. Có bận còn cõng trò vượt lũ lớn. Xóm
nhỏ nào cũng có dấu chân thầy. Thầy là bậc quân tử. Theo học thầy là theo
minh sư, là có phúc lớn. Dân tôi mãi mãi ghi công ơn thầy.
Ngảnh mặt sang trái, Thiêm gõ gõ mặt bàn, giọng ngòng ngọng:
- Tôi không cần công ơn. Tôi muốn mọi người đồng lòng cùng tôi
thực hiện Kế hoạch mười năm xây dựng Toà lâu đài văn hoá xã La Pan
Tẩn. Hố pẩu có đồng lòng với tôi không?
- Có chứ!
- Hố pẩu chưa quyết tâm đâu. Ăn thề với tôi đi. Thề mặt trời đi.
- Ui, thề mặt trời độc lắm! Cả đời chỉ được một lần thôi. Xin thầy để
tôi mở hội ăn ước, hội nào tsồng, để mọi người cùng hứa. Nhưng mà, thầy
Thiêm ơi, năm năm qua làm được từng ấy việc, có được hai lớp học, so với
các bản khác, La Pan Tẩn vẫn là gương mặt đẹp chứ, thầy!
- Tôi không muốn nhìn xuống thấp.
- Thế đấy. Người Mèo La Pan Tẩn tôi có câu nói: “Ba buổi sáng cũng
đủ là một đời người!”
Thiêm đứng dậy, mắt mưng mưng. Chén rượu đầu đang ngấm. Tay
chân tê tê giần giật. Đầu óc loáng choáng.
- Một câu nói nghĩa lý quá. Ta sẽ nhớ làm lòng câu nói này. Anh nghĩ.
Cô Seo Mùa ôm bao tải cỏ ngựa vừa thái, ì ạch đi vào gian bếp. Tếnh,
xách con dao phát và khẩu súng kíp, đi qua mặt Thiêm, mắt gườm gườm.
Lửa bếp lò vừa bón nòm lau khô bùng một quầng hồng làm nền cho hình
Thiêm đứng vung tay trở nên lồng lộng:
- Hố pẩu à! Thiêm nói. Tôi đề nghị, thứ bẩy này hố pẩu cho mở hội ăn
ước toàn xã, ra quyết nghị. Hôm sau chủ nhật, mỗi hộ một lao động lên
rừng chặt hai mươi cây trúc, thồ ngựa ra chợ huyện Xin Ma Chải bán cho
công ty lâm thổ sản tỉnh. Trúc này bán cho người Liên Xô dùng làm cần
câu, gậy trượt tuyết, đang được giá. Bán được bao nhiêu tiền góp cả thành